MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh Chí Phèo - Thị Nở trong phim.

"Thị Nở" phản đối việc đưa Chí Phèo ra khỏi sách Ngữ văn 11

Đào Bích LDO | 06/12/2017 16:37
Người nổi tiếng với vai diễn Thị Nở trong bộ phim "Chí Phèo" tỏ ra ngạc nhiên khi nghe đến ý kiến đề xuất bỏ tác phẩm này ra khỏi sách Ngữ văn 11.

Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu cho biết, bà thích nhân vật Thị Nở từ những ngày còn là học sinh, rồi đến lúc làm sinh viên ĐH Tổng hợp văn. Từ yêu mến đến cảm thông, có lẽ vì thế mà bà đã dễ dàng hóa thân vào nhân vật.

Theo nghệ sĩ Đức Lưu, vai diễn Thị Nở dù không phải là vai chính và không xuất hiện nhiều trên màn ảnh, nhưng đã mang lại những giá trị lớn trong toàn bộ tác phẩm.

“Cả Chí Phèo và Thị Nở đều là những đại diện của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Họ bị xã hội phong kiến áp bức, bóc lột cả về tinh thần lẫn thể xác. Nhưng trong chuỗi bi kịch của cuộc đời, khát vọng sống, khát vọng lương thiện vẫn luôn cháy lên mãnh liệt bên trong những con người khốn khổ ấy. Đó chính là giá trị nhân văn của tác phẩm. Tính giáo dục trong hình tượng văn học của tác phẩm Nam Cao cũng là điều không cần phải bàn cãi”, nghệ sĩ Đức Lưu cho biết.

Bà nhớ lại nhiều kỷ niệm: “Đã hơn 30 năm kể từ ngày được công chiếu, bộ phim thi thoảng vẫn xuất hiện lại trên truyền hình. Mỗi lần như thế, tôi lại vô cùng xúc động. Tôi quá may mắn vì được là người đầu tiên đóng Thị Nở. Vai diễn không chỉ dừng lại trong một bộ phim mà còn theo tôi suốt cả cuộc đời, trong những buồn vui, hạnh phúc hay cô đơn. Ngày xưa khi phim mới công chiếu, cứ ra đường là tôi được mọi người xúm lại hỏi han, trò chuyện. Còn bây giờ, ở tuổi 80, tôi vẫn được người ta gọi điện để phỏng vấn về Chí Phèo, Thị Nở. Đó là một đặc ân mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi”.

Bàn về đề xuất đưa tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình Ngữ văn 11, GS Hà Minh Đức cũng tỏ thái độ phản đối. Theo ông, truyện ngắn Chí Phèo được nhà văn Nam Cao sáng tác trong một không gian rất hẹp (làng Vũ Đại), thời gian cũng ngắn ngủi chỉ trong khoảng 10 năm, nhưng đã trở thành một kiểu nhân vật mới, tính cách mới, đại diện cho cả một thế hệ người nông dân. Ông cũng cho rằng, chính điều đó đã làm nên sức sống của nhân vật và tác phẩm.

Từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhà văn Nam Cao đã đánh thức bản năng, tâm hồn, con người. Ông tạo ra những chi tiết, hình ảnh trở thành điển hình cả trong văn chương lẫn cuộc sống như bát cháo hành, cái lò gạch cũ …. Tác phẩm Chí Phèo đã động chạm đến những vấn đề có tính chất nhân bản về thân phận con người, vấn đề cải tạo xã hội, tương lai của dân tộc và nhân loại.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm giảng dạy các tác phẩm của Nam Cao, GS Hà Minh Đức đề nghị nên tăng thời lượng giảng dạy các tác phẩm của Nam Cao, trong đó có Chí Phèo ở nhà trường hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn