MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họa sĩ Nguyễn Tấn Đạt. Ảnh: Việt Văn

“Thư pháp Việt sáng tạo không ngừng…”

Việt Văn (thực hiện) LDO | 20/04/2021 10:00

Họa sĩ Nguyễn Tấn Đạt (TP.Hồ Chí Minh) với biệt danh Mr Cá là một người đa tài. Anh giữ kỷ lục làm tranh cá 3D tại Việt Nam, làm MC, dạy quay video, chụp các phóng sự ảnh báo chí và cũng rất yêu, dành nhiều thời gian nghiên cứu thư pháp. Phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn anh về câu chuyện thư pháp Việt.

Anh có thể cho biết hiện ở Việt Nam có mấy dòng thư pháp chủ đạo?

- Ở ta, người chơi thư pháp thường đi theo các dòng: Thư pháp Hán Nôm - tập trung đông ở phía Bắc, Thư pháp Quốc ngữ - ở phía Nam đặc biệt là TPHCM được xem là trung tâm và một số ít Thư pháp Tiền Vệ. Số lượng người chơi thư pháp ở TPHCM hiện nay lên đến vài nghìn người, khó mà thống kê đầy đủ, còn ở miền Trung thì các nhà thư pháp tập trung ở Đà Nẵng, Nha Trang.
Một bức thư pháp của thày Thích Nhất Hạnh trong triển lãm “Tranh Thư pháp và Sách” tại Hà Nội. Ảnh chụp lại: VV

Theo anh thì thế mạnh của thư pháp Việt so với Thư pháp của một số nước Châu Á khác là gì?

- Thư pháp chữ Quốc ngữ hay thường gọi nôm na là Thư pháp Việt được giao thoa giữa kỹ thuật sử dụng bút lông và mực tàu của thư pháp Hán, nhưng lại là chữ Latin, tượng thanh. Dễ dàng sáng tạo, có thể vận dụng chương pháp, thư luận của thư pháp Hán Nôm vào hoặc sáng tạo theo hướng đương đại. Nó không bị ràng buộc như Thư pháp Hán Nôm hay Thư pháp Ả Rập. Cách dùng bút lông và mực tàu của Thư pháp Việt sáng tạo và bay bổng hơn các loại bút sắt. Các công thức mực đặc biệt còn tạo ra muôn hình vạn trạng cảm xúc khác nhau cho thư pháp, điển hình như Thư pháp Tiền Vệ, mà Thư pháp Việt hiện nay đang dần áp dụng kỹ thuật mực này. Ngoài ra còn là sự đa dạng về chất liệu sáng tác, khi không chỉ là giấy Xuyến chỉ mà còn giấy Canson, giấy mỹ thuật, hay thậm chí cả tường vôi cũng đều cho ra những hiệu ứng mực khác biệt.

Một bức thư pháp có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật không thưa anh? Và đạt tới mức độ nào có thể coi là một bậc thày?

- Một bức Thư pháp Hán Nôm để đánh giá là tác phẩm thì rất dễ, do bề dầy lịch sử đã có nhiều quy định cụ thể. Nhưng đối với Thư pháp Việt thì rất khó. Tuy nhiên, có thể dựa vào một số nội dung sau mà đánh giá: Độ khó của đường nét, vị trí sắp xếp câu chữ, khí lực, màu sắc, cảm xúc... Việc vận dụng bút lông tạo ra con chữ và cảm thụ nó đòi hỏi người cầm bút lâu năm nhìn vào mới có thể thấy được. Sự mạch lạc trong hơi thở khi vận bút. Độ đậm nhạt của mực khi viết nói lên sự làm chủ được lượng mực, điều mực khi chấm mực một lần. Sự liên thông giữa các nét. Để vận dụng hiệu quả, người luyện tập cần nhiều năm và ngộ được sự ngẫu hứng và biến đổi của mực trên nhiều chất liệu…

Vài năm gần đây, công chúng đến với thư pháp ngày càng đông, vào các dịp Tết Âm lịch và mới nhất là triển lãm “Tranh Thư pháp và Sách” của thày Thích Nhất Hạnh vừa diễn ra ở TPHCM và hiện đang ở Hà Nội thu hút rất đông khách xem, có ngày tới cả ngàn người. Dĩ nhiên tầm vóc trí tuệ của thày là một yếu tố quan trọng.

Rõ ràng thư pháp đang ngày càng được quan tâm ở ta, anh lý giải điều này này như thế nào?

- Ở Việt Nam, thư pháp chưa được khẳng định là một môn Mỹ thuật và thường chỉ được xem là một nét văn hóa truyền thống. Việc hiểu và cảm nhận thư pháp là 2 vấn đề khác nhau. Sự góp mặt của các ông đồ trẻ hiện nay làm thư pháp Việt gần gũi hơn với mọi người, qua các triển lãm, các phố chữ, phố Xuân. Người quan tâm Thư pháp đa phần thích nội dung câu chữ, rồi đem về tự răn mình, đó cũng là một điều hay. Rồi nhiều người đem chữ về nhà lại thích thú khi tự luyện tập thư pháp dựa trên các clip được up lên Youtube.

Anh có nhắc đến nội dung, vậy nội dung nào trong Thư pháp thường được khán giả ưa thích theo sự quan sát của anh?

- Nội dung thư pháp tùy thuộc vào đối tượng khán giả và thời điểm. Như vào mùa Xuân, người ta thường xin chữ về sự tốt lành, phát triển, nói chung là tài lộc. Đối với những người hay đi lễ chùa thì thích nội dung là trích dẫn các bài kinh hay thơ thiền. Học trò, sinh viên thường thích nội dung về đỗ đạt. Việc sáng tác đường nét và bố cục riêng, thường ít khán giả để ý đến, chủ yếu chỉ đọc câu chữ và nội dung. Còn những khán giả là người cầm bút lâu năm sẽ đi sâu vào nghiên cứu, bình luận về bút pháp, bố cục, mặc pháp… tạm gọi là cảm nhận qua câu từ và hiểu về cách thực hiện.

Anh có lạc quan về tương lai của ngành thư pháp Việt và theo anh, làm sao để ngày càng phát triển hơn?

- Thư pháp Việt chắc chắn sẽ có bước đi tốt so với các bộ môn thư pháp khác trong khu vực vì sự sáng tạo không ngừng, ít bị ràng buộc và những người cầm bút hiện nay rất trẻ, giàu nhiệt huyết và sáng tạo. Có rất nhiều nhà thư pháp tài ba, khó kể hết tên, chỉ điểm qua một số gương mặt như ở miền Nam có Thanh Sơn, Trần Văn Hải, Hoa Nghiêm..., miền Trung có Hồ Công Khanh, Trần Quốc Ẩn... còn miền Bắc có Kiều Quốc Khánh, Phạm Hà Linh...

Để phát triển tốt hơn thì người chơi thư pháp cần tập trung lại với nhau, tạo thành một cộng đồng chính thống, có đường lối, chủ trương hoạt động, Phải bầu chọn những người có tư duy tổ chức, đưa vào chính quy đào tạo, rồi đi giao lưu học hỏi thêm các môn thư pháp trên thế giới. Phải biết tiếp nhận những cái hay, lấy đó là công cụ và đưa nội dung Việt vào.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn