MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Ando tại đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: JICA

Tiến sĩ Nhật và mối lương duyên với Việt Nam

VÂN ANH LDO | 20/02/2018 19:30

Lần đầu gặp, Ando Katsuhiro đã cho tôi cảm giác thiện cảm, ấm áp như quen biết từ lâu. Chàng tiến sĩ mới ngoài 40 nhưng đã có 16-17 năm gắn bó và đau đáu với Việt Nam. Tôi hỏi, cơ duyên nào khiến anh nặng lòng với đất nước tôi đến như vậy, Ando cười hiền hậu: “Nói theo cách của các bạn thì tôi có duyên với Việt Nam”.

Giữ hồn cốt di sản văn hóa Việt

Ando vẫn nhớ rõ, trước khi đến Việt Nam vào năm 2001, anh chỉ biết Việt Nam là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Nhưng khi đặt chân đến mảnh đất này, những suy nghĩ về Việt Nam của anh đã thay đổi. Công việc đầu tiên của Ando là làm kiến trúc sư tình nguyện của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) từ năm 2003 đến năm 2005 với nhiệm vụ bảo tồn phố cổ Hội An. Hội An cũng chính là nơi thắp lên tình cảm yêu mến các giá trị văn hóa truyền thống của Ando đối với đất nước này.

Trong con mắt của chàng kiến trúc sư Ando, mỗi viên ngói cổ trên những mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi là mỗi viên ngọc quý. Với phong cách làm việc cực kỳ nghiêm túc và có phần nghiêm khắc đặc trưng của người Nhật, Ando theo sát, tận tay chỉ bảo thợ cách dỡ ngói, nâng niu từng viên để không vỡ. Ando bảo, linh hồn của di sản là yếu tố không thể thay thế, nên có trùng tu thế nào thì cũng phải rất cẩn trọng và tỉ mỉ để hồn cốt ấy không bị phai nhạt.

Giải Thành tựu cho nỗ lực bảo tồn Di sản Thế giới Hội An tháng 11.2005 và Giải thưởng Thành viên danh dự dành cho người có đóng góp bảo tồn di sản thể giới Hội An tháng 1.2015 làm cho Ando vui một, thì những tình cảm mà mảnh đất và con người Hội An đối với Ando khiến anh vui mười. “Hội An là nơi tôi đến sinh sống đầu tiên tại Việt Nam, nhiều năm sau khi tôi quay lại thăm nơi này, một số người địa phương vẫn nhớ, gọi tôi là “Ando ơi!” - chàng tiến sĩ hân hoan kể.

Như một mối duyên, sau Hội An, Ando tiếp tục “phải lòng” các nhà cổ ở Phước Tích (Huế), Cái Bè (Tiền Giang) và Đường Lâm (Hà Nội), tất cả đều liên quan đến các dự án trùng tu. Lần đầu tiên đến thăm Đường Lâm, nơi còn lưu giữ được nhiều nét điển hình của làng quê Bắc Bộ, Ando thấy dường như thời gian nơi đây đã ngừng lại. Anh thích thú với cảnh người nông dân ra đồng với con trâu, hình ảnh mà anh không còn thấy ở Nhật Bản hiện tại vì công việc nhà nông đã được cơ giới hóa.

Ando kể, JICA chọn Đường Lâm vì đây là ngôi làng cố hiếm hoi còn giữ nguyên vẹn các giá trị truyền thống từ lịch sử đến kiến trúc, văn hóa ẩm thực, giá trị nhân văn, lễ hội, cùng hệ thống hơn 100 ngôi nhà cổ, trong đó có gần 40 nhà có niên đại từ 100 đến 400 năm. Không chỉ giúp đỡ tạo bản đồ du lịch cho những ngôi nhà cổ, Ando cùng JICA còn hướng dẫn người dân cách làm sản phẩm thương hiệu riêng của làng nghề Đường Lâm, thiết kế những mẫu mã sản phẩm đẹp hơn... Đến năm 2014, Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm đã chính thức nhận Giải thưởng của UNESCO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Giúp đồng bào Thái làm du lịch thoát nghèo

Từ tháng 4.2017, Ando bắt đầu công tác giảng dạy về du lịch tại Trường Đại học tỉnh Yamanashi, nhưng một năm trước đó anh đã xây dựng một dự án mới có tên gọi là Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp ở Cù Lao Chàm, Hội An và đặc biệt là tỉnh Nghệ An.

Biết đến huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An từ năm 2014, Ando thích thú với cảm giác kỳ vĩ và phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất này, nhưng anh tự hỏi, làm thế nào để giúp bà con đồng bào dân tộc Thái cải thiện cuộc sống, bởi điều kiện kinh tế ở đây thấp.

Ý tưởng đầu tiên của Ando là chọn các “hạt giống” nòng cốt, những chủ nhà có tiếng nói trọng lượng, có khả năng kinh tế một chút, có năng lực lãnh đạo, lấy đó làm hạt nhân để liên kết với những người xung quanh làm du lịch cộng đồng. Dự án của Ando hỗ trợ hình thành các nhóm du lịch như nhóm homestay, nhóm sản xuất các sản phẩm từ cam, nhóm ẩm thực, nhóm văn nghệ, nhóm trải nghiệm đồng áng.

Trong con mắt của chị Lô Thị Hoa (người dân tộc Thái), Ando là người nhiệt tình có một không hai, am hiểu về du lịch và đặc biệt là luôn góp ý chân thành về cách gìn giữ những cái “chất” của bản làng dân tộc. Anh không ép người dân học theo phong cách của Nhật Bản, chỉ đưa thêm ý tưởng để họ tự giữ bản sắc. Ando còn mời cả giảng viên Phạm Hồng Long của Khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV - Hà Nội, cùng giáo sư người Nhật tới hướng dẫn bà con cách nấu nướng, trang trí, bày biện món ăn trên các vật dụng được làm từ tranh tre nứa lá...

Con Cuông không chỉ có bản Nưa, còn có bản Pha, sông Giăng, khe Kèm..., mỗi nơi một lợi thế. Lấy bản Nưa làm trung tâm, Ando quyết định gắn kết với những tài nguyên thiên nhiên lân cận. Khách lưu trú tại bản Nưa có thể dễ dàng thăm khe Kèm, du lịch mạo hiểm trên sông Giăng, lựa chọn các sản phẩm từ cam như tinh dầu, rượu, trái cam... ở bản Pha. Đội nón lá, nói tiếng Việt khá thành thạo, Ando chẳng ngại ngần đi tới những bản làng xa xôi nhất, và chẳng mấy chốc mà đồng bào Thái ở Con Cuông không mấy người là không biết “ông” tiến sĩ Nhật hiền hậu ấy.

“Mối lương duyên” của Ando với Việt Nam chắc chắn còn dài dài, bởi năm 2018, anh sẽ tiếp tục quay lại giảng dạy tại Đại học Việt - Nhật. Và những người Việt yêu mến lại được gọi “Ando ơi!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn