MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai anh em Bùi Trọng Lăng (bên phải) và Bùi Trọng Quân - tác giả của bức tranh điêu khắc thủ công "Vinh quy bái tổ" tại nhà xưởng. Ảnh: T.Vương

Tiết lộ của chủ tranh điêu khắc gỗ "Vinh quy bái tổ" với 2 kỷ lục Việt Nam

Vương Trần LDO | 01/03/2023 10:44

Tác phẩm điêu khắc gỗ thủ công “Vinh quy bái tổ” khiến ai nấy cũng phải trầm trồ, kinh ngạc về sự kỳ công, khéo léo của những người thợ yêu nghề. Qua tác phẩm này, họ mong muốn lan toả những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc qua các điển tích xưa.

Kỳ công thực hiện

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa xác lập 2 kỷ lục với một tác phẩm tranh điêu khắc trên gỗ vô cùng độc đáo mang tên “Vinh quy bái tổ”. Bức tranh điêu khắc gỗ này có chiều dài 8m33, cao 1m70, dày 16cm.

Tác phẩm này đã được xác lập 2 kỷ lục đó là bức tranh điêu khắc thủ công với chủ đề “Vinh quy bái tổ” trên gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam và bức tranh khắc gỗ thủ công về chủ đề “Vinh quy bái tổ” có số lượng người nhiều nhất.

Tìm về làng nghề mộc ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội, người ta càng ngạc nhiên hơn trước chủ nhân của bức tranh điêu khắc kỳ công này. Họ là những thanh niên mang khao khát thực hiện những tác phẩm đặc sắc để gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hoá dân tộc qua hình thức tranh khắc gỗ.

Những người thợ mộc kỳ công và khéo léo trong thực hiện từng tác phẩm. Ảnh: T.Vương 

Xuất phát từ điển tích “Vinh quy bái tổ” với những giá trị văn hoá, những đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay như: Sự hiếu học, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết xóm làng… 2 anh em Bùi Trọng Lăng và Bùi Trọng Quân đã quyết định bắt tay thực hiện tác phẩm này.

Anh Bùi Trọng Lăng cho biết, anh đã phải đi tham quan nhiều nơi như các bảo tàng, các di tích lịch sử tại Kinh thành Huế, Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thàng Thăng Long và nhiều tư liệu sách, báo, tài liệu để đặt những nét vẽ phác thảo đầu tiên. Chỉ tính riêng thời gian bàn bạc, sưu tầm tư liệu, phác hoạ ý tưởng và lên được bản thiết kế mẫu đã mất gần 1 năm trời.

Sau nhiều lần đóng góp ý tưởng của các chuyên gia văn hoá, chuyên gia lịch sử, anh lại cặm cụi chỉnh, rồi lại làm mới để hoàn thành bản vẽ mẫu sau đó mới tiến hành khai mộc để thực hiện tác phẩm để đời này.

 Bức tranh điêu khắc gỗ "Vinh quy bái tổ" dài 8m33. Ảnh: T.Vương

Nội dung của tác phẩm trải dài trên mặt gỗ dài 8m33. Khu vực trung tâm của bức tranh là đoàn rước quan tân khoa với chiều dài 2/3 tác phẩm được vẽ uốn lượn theo nguyên tắc “khí vận sinh động”.

Đi đầu trong đoàn là lá cờ lớn thêu 4 chữ “Nhất Giáp Tiến Sĩ”, trước đó còn có một vị chức sắc trong xã cầm loa đi dọc đường. Tiếp đến là 4 tán lọng vàng chạm đầu lại để che cho biển gỗ có cán dài, trên có chùm nhiễu vải đỏ ghi dòng chữ “Ân Tứ Vinh Quy” của Vua ban…

Những đường nét, chi tiết tinh xảo trong bức tranh điêu khắc này. Ảnh: T.Vương 

Trải dài phía trên cùng của bức tranh là các tầng, các lớp mây giăng trên khắp không gian, biểu tượng cho chiều dài của chặng đường khoa cử giàu truyền thống của nước Việt.

Lan tỏa truyền thống văn hoá tốt đẹp

Cùng chia sẻ, anh Bùi Trọng Quân - đồng sáng lập tác phẩm  -cho biết, khi thực hiện tác phẩm này, khối lượng gỗ và số lượng chi tiết rất nhiều. Bức tranh có tới 348 nhân vật, 68 cây và cụm cây, ngoài ra còn rất nhiều các chi tiết như cờ quạt, võng lọng, giáo mác…

"Tất cả những chi tiết, nhân vật trong bức tranh đều được khắc hoạ một cách tỉ mỉ. Nhưng điều khó nhất đó chính là khắc hoạ, diễn tả được tinh thần của bức tranh” - anh Quân chia sẻ. 

Những vị khách tham quan bày tỏ trầm trồ trước tác phẩm này. Ảnh: T.Vương

Để thực hiện bức tranh điêu khắc gỗ này phải mất thời gian 27 tháng với sự tham gia chạm, khắc của 10 thợ lành nghề, trải qua nhiều công đoạn khác nhau.

Từ việc vẽ mẫu, phá khối, cạo, nạo… không được phép xảy ra bất kỳ lỗi nào để đảm bảo tác phẩm được tinh xảo, hoàn thiện nhất. Khi chế tác tác phẩm này, những người thợ đã phải đóng thêm hàng cột thép phía sau để giữ độ an toàn cho tác phẩm.

Để chế tác tác phẩm này, họ đã xây dựng triết lý “3 không”. Đó là: “Không tiếc thời gian, không tiếc công sức và không tiếc nuối tuổi xuân”.

Sự khéo léo, kỳ công của người thợ mộc qua từng tác phẩm. Ảnh: T.Vương 

Sau khi hoàn thành xong tác phẩm, điều tâm đắc nhất với anh Quân, anh Lăng và những người thợ đó là qua bức tranh đã thể hiện được nét văn hoá, đạo lý tốt đẹp của Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy.

Anh Bùi Trọng Quân cho hay, hiện nay, bức tranh khắc gỗ thủ công này cũng đã có những khách hàng đặt vấn đề hỏi mua với giá từ 5-7 tỉ đồng. Song, những người thợ còn đang cân nhắc bởi những yếu tố như cách "chơi tranh", cách trưng bày…

Họ mong muốn, chủ nhân sở hữu bức tranh này có thể mở rộng trưng bày để những người yêu thích các đường nét thủ công và văn hoá dân gian được chiêm ngưỡng. Bởi giá trị lớn nhất của bức tranh đó chính là truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc và cũng là sự đột phá trong tư duy của những người thợ yêu nghề.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, tác phẩm này có ý nghĩa rất thiết thực trong việc lưu giữ, phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới. Đặc biệt, tác phẩm nhấn mạnh vào những phẩm chất tuyệt vời của của dân tộc Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc làm mới những giá trị văn hoá truyền thống trên chất liệu gỗ, phù hợp với thị hiếu, sở thích của công chúng hiện đại. Nhờ những sáng tạo như vậy, những nét văn hoá của dân tộc tiếp tục được lưu giữ và phát huy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn