MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết quả thám sát và khai quật đã xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn. Ảnh: H.V.M

Tìm thấy dấu tích nền móng Hải Vân Quan thời Nguyễn

HOÀNG VĂN MINH LDO | 05/09/2018 14:30
Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở VHTT TP.Đà Nẵng tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Hải Vân Quan. 

Với diện tích gần 900m2, kết quả thám sát và khai quật đã xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích thời Nguyễn như bậc cấp, lối đi của 2 cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố.

Khai quật tại cổng có chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và dấu vết bậc cấp, đường đi đã xác định được chân móng của cổng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu... Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nền bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m).

Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu tích đường thiên lý men theo sườn núi từ Kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và ngược lại. Tại đây còn có dấu vết của một trạm gác với bó móng được xếp bằng đá. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ, xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay được xếp bằng đá, khít mạch...

Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu, chính xác hơn là xây lại vào năm 1826, dưới thời vua Minh Mạng nhằm tăng cường phòng ngự cho Kinh thành Huế. Tuy nhiên, sau năm 1975, Hải Vân Quan gần như bị quên lãng chìm trong những năm tháng hoang phế. Hải Vân Quan không những hư hại đến 70%, dù trung bình mỗi năm, di tích này đón từ 20 - 30 vạn du khách tham quan. Nguyên nhân chỉ vì Hải Vân Quan thuộc địa phận hành chính có sự tranh chấp của hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”!

Mãi đến ngày 14.4.2017, Hải Vân Quan mới được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích cấp quốc gia. Và 10 ngày sau, là một cái bắt tay lịch sử của ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế và ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VHTT&DL TP.Đà Nẵng. Cùng đó là cuộc làm việc chính thức của hai sở, đại diện cho hai địa phương để tìm cách cứu di tích Hải Vân Quan. Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - thì đây là bước thứ 2 sau việc hai địa phương thống nhất chọn đơn vị tư vấn là Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) lên phương án tổng thể để quy hoạch, bảo tồn di tích, cảnh quan thiên nhiên cũng như khai thác sao cho phù hợp, có hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn