MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Trong vô tận”, Vĩnh Quyền, Nxb. Trẻ, 2019.

Tìm “trong vô tận", yêu trong vô tận

Nguyễn Thị Tịnh Thy LDO | 29/01/2020 08:21

Trong vô tận, ta nhìn thấy vẻ trầm mặc muôn đời của “miền phủ đệ” với bức tranh gia tộc chất chứa nhiều u uẩn của bao kiếp nam nhi chí lớn chưa thành thân đã bại, anh hùng để hận đến nghìn năm.

Trong vô tận, ta nặng lòng với những tình yêu vừa kìm nén bởi lòng tự trọng đến khắc kỷ, vừa phóng túng si mê đến bất chấp mọi rào cản. Đó là những tình yêu cuồng nhiệt đớn đau, những tình yêu mãnh liệt mà câm nín, tình yêu không lời đầy da diết dở dang…

Trong vô tận, ta đọc thấy những luận đề văn hóa học, dân tộc học, sử học từ truyền thống đáng tự hào của nước Đại Nam đã một thời là “cường quốc Đông Á”; đọc thấy nỗi day dứt của tác giả theo từng cơn sóng biển Đông trong những ngày giàn khoan 981 của Trung Quốc quấy đảo.

Nhà văn Vĩnh Quyền.

Trong vô tận, ta tiếc nuối thời hoàng kim một đi không trở lại của xứ Huế kiêu sa trong từng ván cờ không hồi kết, từng miếng ăn thức uống, từng giọt sương, ngọn cỏ, cơn gió, tiếng dạ thưa và cả nỗi đau lẫn cách hóa giải nỗi đau hình như cũng phải khác người.

Và điều đáng nói là, ở “Trong vô tận”, ta như được chứng kiến nhà văn Vĩnh Quyền điều binh khiển tướng trong chiến lược tự sự độc đáo của mình.

Khi bạn muốn viết một tiểu thuyết ngắn chưa đầy 250 trang nhưng chất chứa nhiều vấn đề, nhiều tuyến truyện, nhiều tuyến nhân vật, nhiều khoảng không gian - thời gian vừa cách biệt nhau vừa đan xen lẫn nhau như “Trong vô tận”, bạn phải chọn lựa một chiến lược tự sự thích hợp; đủ để bao quát một hiện thực rộng lớn, mổ xẻ những ung nhọt của xã hội, khơi gợi được tình yêu lịch sử và chạm vào sâu thẳm cõi tâm hồn của mỗi một con người… Đây quả là một bài toán khó!

Nhà văn Vĩnh Quyền đã giải được bài toán này bằng cách thi triển một chiến lược tự sự độc đáo: đa chủ thể tự sự (nhiều người kể chuyện, nhiều ngôi kể); đa phương thức tự sự (người kể chuyện nhiều tầng bậc, người kể đứng trong truyện - người kể đứng ngoài truyện); đa hình thức tự sự với thủ pháp liên văn bản về thể loại và ngôn ngữ (tự sự bằng truyện kể, bằng tường thuật báo chí, kịch bản văn học, ghi chép cá nhân, tài liệu khoa học…); kết cấu đa tầng bậc, phi tuyến tính, truyện lồng truyện; cốt truyện đan xen giữa mộng và thực, hồi ức và hiện tại, ý thức và tiềm thức…

“Trong vô tận” của Vĩnh Quyền sẽ cuốn hút những nhà nghiên cứu văn chương nhờ chiến lược tự sự “có nghề” này. Bởi vì, đối với tự sự học, “Kể cái gì” không quan trọng bằng “Kể như thế nào”.

Tuy nhiên, điều đọng lại từ “Trong vô tận” không phải là sự phô diễn kỹ thuật tiểu thuyết hay kỹ xảo tự sự, mà là phong cách văn chương thấm đượm tình yêu với lịch sử và văn hóa dân tộc, đặc biệt là tình yêu với chốn cố đô trầm lắng tịch liêu này. Chữ trên ngòi bút không phải được truyền ra từ dòng mực, mà từ dòng máu hoàng gia cuộn chảy trong tim của hoàng thân Nguyễn Phước Vĩnh Quyền. Chân tủy của tiểu thuyết Vĩnh Quyền là Huế. Vì thế, từ “Trong vô tận”, ta sẽ cảm nghiệm một Huế của riêng nhà văn, Huế từ “cốt cách” chứ không phải từ “kiểu cách” - Huế thật chứ không phải Huế “diễn”, Huế “kịch”, Huế cố làm cho ra vẻ Huế. Đó là cái duyên Huế không huê dạng, không ai bắt chước được của “Mệ” Vĩnh Quyền.

“Trong vô tận, song song gặp nhau?” Đó là lời đề từ của tác phẩm, cũng là tâm huyết của tác giả trao gửi đến người đọc. Trong vô tận, ta sẽ hiểu tiền nhân, hiểu lịch sử, yêu văn hóa; trong vô tận, mọi khoảng cách về không gian, thời gian, phe phái, giới tính, chủng tộc sẽ được xóa nhòa. Bởi vì nếu có tình yêu, thì mọi giao cắt, đứt gãy về lịch sử và văn hóa sẽ không còn nữa. Lúc ấy, vô tận không phải là chiều dài, mà là chiều sâu. YÊU trong vô tận, SÂU trong vô tận, ta không còn song song với lịch sử và tha nhân.

Có gì đáng tiếc về “Trong vô tận” không? Xin thưa là có! Giá như tác giả bớt ôm đồm về đề tài, xử lý mềm mại hơn về phép liên kết ngầm trong nội dung tiểu thuyết, thì tác phẩm sẽ tránh được một số chỗ lắp ghép khiên cưỡng, tinh túy của chủ đề cũng sẽ nổi bật hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn