MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người M’Nông tin rằng, đàn đá là loại nhạc cụ cổ xưa, là sợi dây kết nối con người và thế giới tâm linh. Ảnh: LX

Tìm về tiếng đàn đá bên suối Đắk Kar

H.L LDO | 28/01/2020 18:00

Đàn đá là loại nhạc cụ được Unesco xếp vào danh sách các nhạc cụ độc đáo trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Với người M’Nông, họ tin rằng, đàn đá là loại nhạc cụ cổ xưa, là sợi dây kết nối con người và thế giới tâm linh.

Bon Bu Bir, xã Quảng Tín, Đắk Nông được xem là buôn làng hiện chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống và lưu giữ nhiều bộ đàn đá nhất tỉnh Đắk Nông (Ở Đắk Nông, "bon" là đơn vị hành chính thấp nhất, tương đương buôn làng của hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số).

Theo quan niệm của người M’Nông, đàn đá là loại nhạc cụ cổ xưa, là sợi dây kết nối con người và thế giới tâm linh. Ngày nay, đàn đá vẫn sống động trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa.

Nhiều năm nay, gần như toàn bộ các sự kiện quan trọng của địa phương đều không thể thiếu tiết mục hòa tấu đàn đá của nghệ nhân Bu Bir. Hiện tại, bon Bu Bir đã thành lập một đội văn nghệ dân gian thu hút đông đảo thanh thiếu niên. Nhờ đó, những bài chiêng cổ, lời hát ru, nhịp đàn đá, điệu múa xoang vang khắp buôn làng.

Ông Điểu Phương (54 tuổi) - người dân mê sưu tầm đàn đá và là chủ nhân nhiều bộ đàn đá ở bon Bu Bir dẫn chúng tôi đến suối Đắk Kar, nơi đồng bào M’Nông trước kia tìm thấy hàng chục bộ đàn đá cổ xưa.

Điểu Phương kể, thuở bé, ông nghe người già trong bon đánh đàn, kể sự tích đàn đá bên dòng suối Đắk Kar rất nhiều lần. Năm 2001, trong một chuyến đi chơi cùng bạn ở suối Đắk Kar, ông vô tình dẫm phải thanh đá có hình dáng rất đẹp, gõ kêu, ông mang về hỏi các nghệ nhân lớn tuổi và được xác định là đàn đá.

Tiếp tục tìm kiếm, ông đã có bộ đàn đá hoàn chỉnh đầu tiên. Mê đàn đá nên Điểu Phương thường xuyên ra suối tìm đá kêu, được viên nào ông vui mừng mang về mời nghệ nhân thẩm định viên đó và sắp xếp đúng trình tự một dàn hoàn chỉnh. Đến nay, ông đã sở hữu hàng chục bộ đàn đá quý hiếm.

Theo người già trong bon kể lại, hơn nửa thế kỷ trước, trong một lần đi rẫy, đào đất, dựng lều gần khu vực suối Đắk Kar các cụ đã phát hiện 3 thanh đá kêu.

Gõ thử nghe hay, họ mang về đêm đêm tấu cùng chiêng đồng phục vụ bà con. Nhưng chiến tranh loạn lạc, bộ đá kêu bị thất lạc. Năm 1985, khi giăng lưới bắt cá ở suối Đắk Kar, ông Điểu Bang vô tình phát hiện đá kêu.

Ông xuống suối mò thêm được 2 thanh khác. Xếp 3 thanh thành một bộ, ông gõ cho mọi người cùng nghe những khi nghỉ trưa ở rẫy.

Đúng thời gian này, trong bon xảy ra dịch bệnh làm chết nhiều người, nghĩ rằng do không cúng thần linh khi lấy đá nên trời phạt, ông Điểu Bang mang đá trả về chỗ cũ. Sau này, cán bộ sưu tầm của ngành văn hóa nài nỉ ông mới chỉ chỗ để vớt chiêng đá lên.

“Tổ tiên người M’nông đã sử dụng bộ chiêng đá 3 thanh từ nhiều đời trước, khi diễn tấu mỗi người một thanh, có thể diễn tấu cùng dàn chiêng đồng cổ 3 chiếc hoặc trình diễn độc lập. Khi đánh lên âm thanh vang rộn như hồn người Tây Nguyên gửi vào đá”, ông Điểu Bang chia sẻ.

Năm 1993, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông phối hợp Viện Văn hóa Dân gian, Bảo tàng lịch sử lập Hội đồng nghiên cứu thẩm định bộ đàn đá Đắk Kar mà năm 1985 ông Điểu Bang tìm thấy.

Hội đồng xác định 3 thanh đá đều có thanh âm của âm nhạc thời cổ đại, có niên đại trước Công nguyên. Hiện bộ đàn này được lưu giữ tại bảo tàng Đắk Nông.  


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn