MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Tôi, em và sen” đạt giải A Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV

Lục Tùng LDO | 05/12/2021 15:45

ĐỒNG THÁP – Tập thơ “Tôi, em và sen” của Hữu Nhân đạt giải A Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV.

Theo thông tin từ Ban tổ chức Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp, tập thơ “Tôi, em và sen” của tác giả Hữu Nhân (Hội viên Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp) đạt Giải A. 

Lễ trao thưởng dự kiến diễn ra vào ngày 21.12.2021 tại TP.  Cao Lãnh. Đây là giải thưởng uy tín về văn học, nghệ thuật của tỉnh Đồng Tháp mang tên chí sĩ yêu nước Nguyễn Quang Diêu (1880- 1936), định kỳ tổ chức 5 năm một lần.

Thông tin về tác phẩm đoạt giải thưởng được cho là nằm trong dự đoán của giới cầm bút ở Đồng Tháp. Bởi tuy có “quy mô” khiêm tốn, khoảng 160 trang khổ 13x 19cm , dung lượng mỗi bài thơ cũng không quá dài, bình quân 1 trang/bài, nhưng ngay sau khi xuất bản, tập thơ đã gây sự chú ý bởi nội dung được đánh giá là mới lạ.

Tập thơ “Tôi, em và sen” của Hữu Nhân đạt Giải A Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV. Ảnh: LT

Về hình thức, tập thơ độc đáo ở chỗ tên mỗi bài thơ chỉ có đúng 1 từ. Hơn thế nữa, các bài thơ được sắp xếp theo bảng chữ cái với khởi đầu tập thơ là bài thơ “Ăn” và kết thúc bằng bài thơ “Về”. Điều này cho thấy, tác giả đã dành sự đầu tư không hề nhỏ cho hình thức tập thơ nhằm hướng đến bạn đọc nhiều thông điệp bên ngoài nội dung.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp Hữu Nhân đạt giải A về thơ tại Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu.

Nhà thơ Hữu Nhân, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: LT


Được sáng tác trên cái nền lục bát, vẫn dựa trên cái hồn cấu trúc 6/8, nhưng Hữu Nhân đã có sự phá cách trong gieo vần. Không mềm và mượt như lục bát truyền thống, lục bát trong “Tôi, em và sen” của Hữu Nhân có sự trúc trắc bởi sự ngắt nhịp lạ và mới.

Điều này không chỉ tạo ra nhạc điệu lạ mà còn giúp tác giả có lối diễn đạt mới.

Thôi đừng gọi nữa tên nhau,

Chênh chao giữa những sắc màu chênh vênh.

Bao lần nhớ bấy lần quên,

Giữa biêng biếc lá, thấy lênh đênh chồi. (“Thôi”)

Hay:

Chính vì thế, dù tác giải luôn đưa lời ăn tiếng nói quê nhà vào thơ, nhưng bằng tài hoa, anh vẫn tạo sức sống sang trọng trong ngôi đền tiết tấu độc lạ. Như dòng suối đang lững lờ, bỗng những lời nói chân quê va vào ghềnh tiết tấu, tạo ra ánh sáng tung tóe  như những chùm hoa nước lộng lẫy về ý nghĩa đau đáu, thâm sâu...

Rằng qua thì cũng đã qua,

Yêu thương rớt lại hóa ra trường tồn (“Sau”)

Hay:

“Thương nhau thương cả gieo neo,

Đến đành đoạn đến trả treo ân tình” (“Ăn”)

Nhìn ở phương diện rộng, tập thơ “Tôi, em và sen” của Hữu Nhân như bông hoa  đẹp. Những bông súng, bông tràm xứ sở, đặc biệt là sen, cái bông hoa đặc trưng đến mức nâng bước Đồng Tháp lên danh xưng Đất Sen Hồng, như chảy vào thơ anh một cách nhẹ nhàng. Xuyên suốt trong hơn trăm bài thơ của anh luôn bàng bạc ngàn sen khoe hương, khoe sắc, khoe tình... Sen từ đồng quê Tháp Mười bước vào thơ anh lập tức như cô gái quê vụt bước lên ngôi hoa hậu. Không chỉ đẹp, mà còn thơm và long lanh, lóng lánh. Trong cung bậc sắp đặt của bàn tay làm chủ được ngôn ngữ từ lớp vỏ bên ngoài đến nội dung bên trong, những bông sen quê lại bật lên triết lý đời người:

Đằng sau những thăm thẳm sau,

Hoa sen vẫn rực một màu rất quen.

Thiệt thà đem vốn bán buôn,

Gánh ngàn mây trắng đổi cơn mưa rào

Chưa đi hết cuối ngọn ngành,

Làm sao thấu được biển xanh muối lòng” (“Thấu”)

Tuy nhiên, đọng lại đằng sau những tiếng cười, những ánh mắt tràn ngập tin yêu, vẫn đau đáu trong anh những chiêm nghiệm đầy nỗi niềm về nhân tình, thế thái:

“Bao lăng tẩm ngỡ bền lâu,

Nào ngờ chợp mắt áo bào nát tan” (“Vẽ”)  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn