MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tôi thành anh “cửu vạn ngôn từ”

PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH (Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) LDO | 14/08/2019 15:18

Tôi không nhớ là mình đã cộng tác với Báo Lao Động từ khi nào, nhưng có điều này tôi không quên: Tôi đã thủy chung với chuyên mục "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" trên Báo Lao Động Cuối tuần không dưới 10 năm (từ 2007-2017).

Một tờ báo hiện đại

10 năm, chỉ bằng 1/9 so với lịch sử ra đời của Lao Động (1929-2019), nhưng với tôi, rõ ràng là một khoảng thời gian không hề ngắn và đã để lại không biết bao nhiêu kỷ niệm.

Từ khi vào học đại học và đi làm (1982), Lao Động luôn là một tờ báo hấp dẫn đối với tôi. Không chỉ ở măng-sét ấn tượng, maket thoáng đạt, đẹp mà còn ở nội dung đa dạng, rất chuyên nghiệp, đúng tinh thần một tờ báo hiện đại.

Tôi nhớ, hồi đầu tôi mới chỉ viết đôi ba bài cho báo thôi. Đó là các bài viết giới thiệu sách mới, vấn đề “Văn hóa đọc xưa và nay”, rồi cả thơ bóng đá nữa... Các đề tài này do nhà báo quá cố Bùi Việt Phong đặt hàng.

Rồi sau đó, mấy năm liền tôi tham gia "Diễn đàn Văn hóa Người Hà Nội" (trên trang Thông tin Hà Nội). Tham gia mấy năm thì cũng ngần ấy năm tôi đoạt giải chuyên mục này. Tôi nhớ có lần được mời nhận giải tại Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội và được bà Ngô Thị Thanh Hằng (lúc đó là Phó Chủ tịch TP Hà Nội) trực tiếp trao tặng. Quả là vinh dự với tôi, một người không sinh ra ở Hà Nội lại bàn về Văn hóa của người Thăng Long - Hà Nội "ngàn năm văn hiến". Nhưng "Câu chuyện Văn hóa" cũng không kéo dài. Tôi lại trở lại với công việc thường ngày của mình tại Viện Ngôn ngữ học.

Ấy thế rồi đến một ngày...

Khi Báo Lao Động Cuối tuần (do nhà báo Đỗ Quang Hạnh làm Thư ký Tòa soạn) ra ấn phẩm đầu tiên, tôi đọc và lập tức các chuyên mục đã bị cuốn hút. Không phải là tờ báo ngày (mà thông tin thời sự trong nước và thế giới phải cập nhật liên tục), Lao Động Cuối tuần có tính chuyên sâu hơn những vấn đề của đời thường muôn mặt.

Về tính chất, Lao Động cuối tuần nghiêng về hướng "magazine" chứ không phải "newspaper". Theo trí nhớ của tôi, thời gian dài báo có các chuyên mục rất quen thuộc: Ngẫm ngợi cuối tuần, Nói hay đừng, Ở chốn lao xao, Góc nhìn bát quái, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Ở chốn pháp đình, Văn hóa Văn nghệ (thơ - phóng sự- truyện ngắn), Thể thao... với những tên tuổi các nhà báo "gạo cội" mà tôi rất hâm mộ, như Dương Trung Quốc, Lý Sinh Sự, Nguyễn Bỉnh Quân, Xuân Cang, Phan Trung Hoài, Huỳnh Dũng Nhân, Đỗ Doãn Hoàng, Lê Thanh Phong, Nguyễn Nguyên... Sau một thời gian "nghiên cứu" và suy nghĩ, tôi quyết định viết bài cộng tác với chuyên mục "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".

Hơn 10 năm với "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"

Chuyên mục này, trước đó đã có không ít báo mở ra và được bạn đọc hưởng ứng rầm rộ. Bắt nguồn từ phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động (từ năm 1966), Đài Tiếng nói Việt Nam đã mở tiết mục này trong chương trình Văn hóa Xã hội từ những năm 70 của thế kỉ XX.

Nhưng Lao Động Cuối tuần có cách thể hiện riêng, đó là bàn trực diện những vấn đề tiếng Việt trong đời sống, đặc biệt là trên báo chí. Báo giấy có lợi thế là viết dài hơn (trên dưới 1.000 chữ), lại có thể dùng kí hiệu (ngôn ngữ) và hình ảnh minh họa nếu có cứ liệu đời sống. Không giống với mục "Dọn vườn", chuyên nhặt một số lỗi dùng từ, lỗi "morasse", lỗi chính tả..., chuyên mục này của Báo Lao Động Cuối tuần đề cập những vấn đề ngôn ngữ rộng hơn từ những sự kiện được coi là "có vấn đề".

Được sự khuyến  khích của báo, tôi liên tục "truy tìm" trong đời sống ngôn ngữ để tìm ra chuyện để viết. Cũng không dễ dàng! Vì muốn viết được bài, phải có ngữ liệu đầy đủ, chính xác và phải tìm ra một "ý" để viết. Ý này giống như tứ thơ vậy. Có ý tưởng là có cấu trúc nội dung. Bao nhiêu cái tít ra đời và ẩn sau đó là bao nhiêu câu chuyện ngôn ngữ cần bàn. Từ chuyện ngôn ngữ dân gian (thành ngữ tục ngữ): Mỗi câu tục ngữ một nửa lời khuyên, Có chí thì nên, Bán anh em xa mua láng giềng gần, Ăn cơm trước kẻng, Đói ngày giỗ cha no ba ngày tết, Đêm ba mươi - thằng chết cãi thằng khiêng, Mất hút con mẹ hàng lươn, Dốt có chuôi, Nhất tự vi sư bán tự vi sư, Múa rìu qua mắt thợ, Rau muống tháng chín...;

Đến chuyện ngôn ngữ thời đại mới, thời hội nhập: Cơm bụi, Ăn cơm trước kẻng, Tiểu đường hay đái đường? Tiếng Nam tiếng Bắc có khác gì nhau? Lì xì - xưa và nay, Mày và tao - nói sao cho phải, Ngôn ngữ công sở hôm nay, Hãy nghe 8X nói,  Nghỉ đẻ - sao vẫn cứ đẻ? Máy bay hay tàu bay? A Còng - kí tự kết nối cả thế giới, Nickname - ảo và thật, Cup - Coupe - Copa tuy ba mà một, Tú lơ khơ con cơ con nhép, Hat-trick - từ thể thao vào ngôn ngữ...

Thật khó mà thống kê hết được tên hàng trăm bài. Vì từ đầu năm 2007, tôi đã viết nhiều đến mức gần như "đứng cái" cho chuyên mục này của báo. Mỗi năm có 52 tuần thì hơn 40 tuần có bài của tôi. Như chú gà chăm chỉ, tôi cứ nhẩn nha "đào bới" kho tàng tiếng Việt để tìm ra chuyện để bàn sao cho vừa có vấn đề, vừa vui và hấp dẫn.

Đứng chuyên mục rồi mới thấy lo, mới thấy một tuần sao nhanh thế. Lại có lần, chị Dương Thu Hiền (biên tập viên của Báo) gọi điện đề nghị "Anh viết gấp một bài giải thích từ này vì có độc giả thắc mắc", hay "Bài tuần vừa rồi sếp không duyệt, anh chuyển bài khác ngay cho kịp tối nay lên trang"... Có những lần, tôi nhận "lệnh" khi đang ở tận bên Pháp nhưng vì trách nhiệm và cũng vì niềm vinh dự mà tôi đáp ứng ngay. Tôi thường nói đùa với Dương Thu Hiền: "Anh vừa vào vai "sen đầm quốc tế", vừa vào vai "lực lượng phản ứng nhanh". Nhiều khi tác nghiệp hơn cả phóng viên mặt trận".

Gánh nặng bài vở thật lớn. Ấy vậy mà gần như tôi chưa bỏ lỡ cơ hội thực thi nào. Cũng bởi ngoài trách nhiệm, tôi còn có niềm đam mê lớn lao với ngôn ngữ dân tộc. Tôi luôn "ăn tiếng Việt, ngủ tiếng Việt". Chất ngôn ngữ thấm vào máu thịt của tôi rồi. Chỉ chờ cơ hội là bột phát "thăng hoa". Có lẽ, hai chữ "trong sáng" đã hút hồn tôi suốt tháng năm qua.

Nhìn lại, tôi có tới gần 20 năm cộng tác với Lao Động và hơn 10 năm với Lao Động Cuối tuần. Lúc đầu gửi bài bằng bản giấy, rồi bản giấy kèm đĩa mềm (loại đĩa vuông), sau đó là qua email hay messenger. Tôi làm quen và thực thi được hết.

Hai chục năm ròng rã, từ khi Báo vẫn còn ở 51 Hàng Bồ, Hà Nội. Nói không quá lời, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều về chuyên môn ngôn ngữ và nghiệp vụ báo chí kể từ khi gắn bó với từ Lao Động. Tôi đã trở thành anh chàng "si tình", từ ham mê chữ nghĩa thành "cửu vạn" ngôn từ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn