MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tới Thành Đô không gặp được Đỗ Phủ...

tuyền linh LDO | 03/02/2019 21:00

1. Hẳn rồi, tới Thảo Đường (nhà 38, đường Thanh Hoa, Thành Đô, Tứ Xuyên),tôi làm sao gặp được ông - Đỗ Phủ - một  “Thi bá” của người Trung Quốc!

Trong khoảng 58 năm cuộc đời Đỗ Phủ, từ năm 712  tới 770, thì tại nước ta lúc bấy giờ có hai cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Đường, là của Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) vào năm Nhâm Tuất 722 và  của Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) dài hơn 20 năm (766 - 789).

2. Cách nay chừng  chục năm, tôi không sao nhớ được nhân dịp gì,  ông bạn già thân quý - họa sĩ Nguyễn Quân mang tặng tôi ba bản photocopy tập thơ dày cộp “Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng”, “Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi tiếng”, “Bạch Cư Dị - Những bài Đường thi nổi tiếng” đều do nhà thơ Đỗ Trung Lai soạn sách, dịch thơ. 

Tôi cười mỉm bảo với bạn già “Tay nhận sách, lòng cảm khái, hoang mang. Làm sao đây tiêu/hấp thụ hết được thơ Đường?”. Nguyễn Quân mỉm cười “Thơ Đường, nhất định phải đọc!”.

Vâng, đọc. Tiếng Hoa không biết, tôi hẳn nhiên dọ dẫm đọc theo lối: Dịch thơ - Dịch nghĩa - rồi nhìn vào bản thơ nguyên gốc tiếng Hoa, thấy chữ sắp hàng đều đẹp... như tranh. 

Đỗ Trung Lai có lẽ là một người cẩn thận, phần tiếng Hoa, tiếng Việt trong vài bài, có những chữ ông sửa nghiêm ngắn, ghi ra  bên lề. 

3. Tôi đọc ba tập thơ theo lối nhảy cóc, người này một bài, người kia một bài, tháng này một bài, tháng khác một bài. Kẽo kẹt tới tận trước khi tới Thành Đô mùa thu này, nghĩa là cũng gần 10 năm. Thi thoảng tự đọc to bản phiên âm, để lắng nghe nhạc điệu những từ tiếng Hoa, chẳng hạn “Thế loạn tao phiêu đãng/Sinh hoàn ngẫu nhiên toại” (bài Khương thôn 1 của Đỗ Phủ); hai câu này Đỗ Trung Lai dịch: “Sống được trong thời  ly loạn/Về nhà, may nhất thế gian). 

Nhưng không hiểu sao, trong ba nhà thơ nổi tiếng Trung Hoa đấy, tôi thích Bạch Cư Dị hơn cả. Có lẽ bởi câu thơ “Rồng vốn không thiêng thế/Chẳng qua tại miệng đời” (bài “Rồng ở đầm đen”) bất đồ ập vào mắt chăng?

4. Bảo tàng Đỗ Phủ Thảo Đường rộng những 97.000m2, tôi làm sao đi hết được. Ngày đầu thu chiều đã muộn rồi, sau mấy giờ đồng hồ đọc xem nghe thấy được gì thì được, tôi duỗi chân bên hồ sen nhắm mắt nghe tiếng chim lích rích. 

Tự dưng hiện nhớ vài phân đoạn, như, trong gian nhà chính của Thảo Đường (Nhà Cỏ), ồ lạ nhỉ, nơi khách tham quan dừng chân lâu nhất là phòng bếp chứ không phải phòng học, viết của Đỗ Phủ. Người đời nào không lẽ cũng đều chung nỗi tò mò: Thi sĩ ăn gì, ăn thế nào để nghĩ, xuất khẩu thành thơ chinh phục trái tim hàng triệu người được nhỉ?

Và một trong những phân đoạn đẹp nhất chính là cảnh cậu bé chưa tới 10 tuổi là hướng dẫn viên tình nguyện của bảo tàng giới thiệu về cuộc đời, thi ca Đỗ Phủ (là do tôi thì thào hỏi bằng tiếng Anh một cô gái trẻ, và cô cho biết thế). Tôi dỏng tai gắng nghe cậu bé đọc thơ. Cậu đang réo rắt đọc bài có câu “Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc” (bản dịch của Tản Đà) hay bài  có câu “Suối sâu bên núi thì thào”?

Chịu, làm sao tôi biết được, chỉ thấy vẻ mặt của hàng chục khách tham quan vây tròn quanh cậu bé tràn đầy rưng rưng cảm khái, thăng hoa. Muôn đời, muôn nơi, luôn có những khoảnh khắc, thi ca làm muôn người trở nên như nhau - đẹp đẽ.

Và không dưng cũng bỗng nhớ, vài tháng trước khi tới Thành Đô nhỉ, trên HTV tôi xem một bộ phim Trung Quốc rất đông người xem, gần cuối phim có cảnh nhân vật nam chính có thời gian sang Campuchia làm tình nguyện viên, dạy trẻ em tiếng Hoa. Về tới Sài Gòn tôi hớt hải khoe khoang ngay với ông bạn già Ngô Mai Phong vài bức hình chụp ngay Thảo Đường Đỗ Phủ. Qua thư điện tử, ông bạn già này tắp lự biên dịch giúp mấy chữ trong các bức hình.  

Bức  số 1: “Ba chữ này đẹp vô cùng cả về thư pháp và ngữ nghĩa. Đó là "Thính thu hiên", có lẽ đây là cái chái đọc sách. Chữ "hiên" ở đây có nghĩa vòi vọi. "Thính" là nghe. Nhưng nên dịch "Tiếng - thu - vòi vọi" là đủ. Ừ, cái mái đó đúng là "hiên", vì bốn bề đều trống, ngồi uống trà, ngắm trời đất là chính, thư trai chỉ là một phần dụng ý thôi.” 

Bức số 2: “Bức ảnh có bức tượng Đỗ Phủ vẫn là tuyệt vời nhất. Đúng là gương mặt, tư thái của một thiên tài khốn khổ. Cái hậu cảnh là một túp lều gianh bay mất gần hết mái - hình ảnh từng được Đỗ Phủ viết trong bài thơ nổi tiếng của ông "Mao ốc vi thu phong sở phá ca" (Bài hát gió thu thổi tốc mái tranh), trong đó có hai câu đẹp đau đớn: "An đắc quảng hạ thiên vạn gian/ Đại tý thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan" (Ước gì có ngôi nhà muôn nghìn gian/ Chở che cho tất cả kẻ sĩ nghèo trong đời được yên vui)”. Đấy, đúng là “biết thêm một ngôn ngữ, là biết thêm một nền văn hóa”. 

Xin chào ông, Đỗ Phủ - nhà thơ Trung Hoa luôn đứng về phía những người nghèo. Hơn 1.200 năm trước, ông có mường tượng được ra Trung Hoa đất nước ông và thế giới sẽ thế nào? Và ông có không nỗi băn khoăn ai vẫn, sẽ còn đọc thơ mình?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn