MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chóp nhọn của các tòa nhà cao tầng đều chưa được chăm chút. Ảnh: T.L

TP.Hồ Chí Minh “ô nhiễm” cảnh quan kiến trúc: Vì đâu?

MINH THI LDO | 11/12/2017 10:53
Từ trên máy bay nhìn xuống, nhiều kiến trúc sư cho rằng quy hoạch của TP.Hồ Chí Minh khá lộn xộn. Các khu nhà ổ chuột vốn xấu xí đã đành nhưng ngay cả những khu được quy hoạch, phát triển xong rồi vẫn cứ thấy lộn xộn. Không những thế, bệnh viện chen chân giữa khu nhà biệt thự và nhà dân, làm phá vỡ cảnh quan chung…

Nhìn quanh… xấu đều

Theo kiến trúc sư Trần Khánh Trung, “ô nhiễm cảnh quan còn gọi là ô nhiễm thị giác. Đó là những tác động xấu đến kiến trúc cảnh quan xuất phát từ sự phát triển nóng nhưng thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát trong thời gian qua của TPHCM. Loại ô nhiễm này tuy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống thường nhật của người dân nhưng nó ảnh hưởng đến ngành du lịch vì làm xấu đi cảnh quan và ngấm ngầm tác động đến khả năng cảm thụ thẩm mỹ của nhiều thế hệ...”.

Chẳng hạn, một KTS nước ngoài khi đến TPHCM lần đầu đã đưa ra nhận xét: “Điểm chung của khá nhiều công trình cao tầng quy mô nhỏ không phải là những chi tiết kiến trúc nhiệt đới hay truyền thống Việt Nam. Cũng không phải là những mặt tiền toàn kính bắt chước các thành phố ôn đới mà là những cầu thang ngoài trời. Cầu thang nằm phía sau, có khi bên hông tòa nhà, bị rỉ sét, xuống cấp trông rất xấu xí...”.

Thường các khu vực có cầu thang sắt ngoài nhà còn là nơi bố trí những hạng mục mà chủ đầu tư không muốn đưa ra mặt tiền. Tuy nhiên, chúng hiện diện không chỉ ở các tòa nhà văn phòng nhỏ mà còn ở khách sạn 4 sao và các tòa cao ốc vài chục tầng. Ngoài ra, sự khác biệt giữa mặt chính tòa nhà và các góc nhìn khác từ xa là quá lớn. Vấn đề là người ta nhìn thấy phần kết thúc xấu xí trên đỉnh các tòa nhà cao tầng từ rất nhiều phía. Có vẻ các KTS chỉ thiết kế mặt tiền của tòa nhà, phần sau và trên nóc thì để chủ đầu tư tự quyết theo hướng có lợi về kinh doanh, còn vấn đề thẩm mỹ cảnh quan thì toàn dân thành phố… chịu đựng.

KTS Khánh Trung phân tích: “Đối với các nhà cao tầng, khi thiết kế, các KTS tập trung chú ý vào hai vị trí khối bệ với lối vào chính và phần mái trên đỉnh nơi kết thúc của công trình. Ngoại trừ tòa Bitexco, Vietcombank Tower có điểm kết thúc khá đẹp, còn lại thì ở đa số các công trình phần kết thúc là những ống khói, ống thông hơi, dàn giải nhiệt máy lạnh, két nước, ăngten điện thoại… trông rất lộn xộn và xấu đều”.

Ngoài ra, rảo một vòng qua trung tâm TPHCM có thể thấy các công trình quy mô lớn, nằm ngay trung tâm có hình dáng đẹp nhờ chiều cao không hạn chế, còn một số công trình nằm trong khu vực bị khống chế chiều cao hoặc quy mô nhỏ đều có hình khối chưa đẹp, làm giảm đi hiệu quả thẩm mỹ cho cảnh quan kiến trúc thành phố.

Còn theo KTS Nguyễn Hữu Thái thì nên nhìn lại bối cảnh nhà cao tầng đang lấn bờ sông và khu di sản. “Không có nước nào trên thế giới bán đất bờ sông để xây cao tầng vì nó chắn hết gió thổi vào và làm nóng khu vực trung tâm thành phố. Nguyên tắc xây dựng là phải đi từ thấp lên cao tính từ bờ sông vào nội thành. Các khu nhà cao tầng chi chít chắc chắn sẽ tác động rất xấu đến vi khí hậu khu trung tâm đô thị...” - ông Thái chia sẻ.

Giải pháp trong tầm tay

Theo KTS Khánh Trung, về mặt quy hoạch, chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy hoạch chi tiết đúng đắn đã được phê duyệt là sẽ giữ được cảnh quan đô thị về mặt tổng thể. Ngoài ra, vấn đề công khai quy hoạch mà thành phố đang thực hiện sẽ giúp người dân có thể theo dõi và giám sát các dự án triển khai sai với quy hoạch được duyệt, từ đó hạn chế những lộn xộn từ những thay đổi quy hoạch thiếu minh bạch.

Đối với các cầu thang sắt ngoài trời của các nhà cao tầng, việc quản lý về mật độ xây dựng các công trình một cách chặt chẽ chắc chắn giải quyết được tình trạng “ăn gian” không gian này.

Đối với công trình đã lỡ xây và ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan đô thị thì chính quyền nên khuyến khích chủ đầu tư thêm các che chắn bằng vật liệu nhẹ sao cho tăng vẻ mỹ quan của công trình.

Đối với phần kết thúc trên đỉnh các công trình, nơi có tác động nhiều nhất đến cảnh quan kiến trúc đô thị thì chính quyền nên bắt buộc các tòa nhà cao tầng phải có che chắn thẩm mỹ cho khu kỹ thuật trên mái, quy định rõ các công trình cao tầng khi xin phép xây dựng phải nộp tối thiểu 3 phối cảnh mặt đứng nhìn từ 3 vị trí khác nhau trong thành phố, những góc nhìn mà công trình có tham gia trực tiếp vào cảnh quan kiến trúc đô thị.

Ngoài ra, nâng mức phạt cũng như biện pháp chế tài với nhà đầu tư vi phạm khi xây dựng, đặc biệt là các vi phạm sau khi đã xong thủ tục hoàn công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn