MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh cãi chuyện đại biểu đề xuất mặc áo dài đi họp Quốc hội

Mi Lan LDO | 31/05/2023 21:14
Đề xuất mặc áo dài ngũ thân đi họp Quốc hội của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) hiện gây tranh cãi trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Những lần áo dài làm “nóng” Quốc hội

Sáng 31.5, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, ông luôn muốn mặc áo dài ngũ thân trong phiên khai mạc, hát Quốc ca trong lễ chào cờ nhưng trong cẩm nang đại biểu có quy định nam mặc comple, vì vậy ông không mặc.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh mong, bên cạnh trang phục comple, nên có thêm “phương án” trang phục truyền thống như áo dài ngũ thân để các đại biểu quốc hội có thêm sự lựa chọn.

Ông Cảnh cho rằng, việc mặc áo dài ngũ thân trong các phiên họp Quốc hội, các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao sẽ giúp giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện những kiến nghị về trang phục áo dài ngũ thân của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chia luồng tranh cãi trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Theo tài khoản Hoàng Phong, “Quốc hội có biết bao việc lớn đang cần bàn. Tại sao giữa thời điểm kinh tế, xã hội đang nhiều vấn đề cần giải quyết như thế này, đại biểu lại chỉ đề xuất về chuyện mặc gì đi họp?”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản biện cho rằng mặc áo dài vướng víu, phức tạp, không gọn gàng, không dễ di chuyển và thuận tiện như comple.

Ông Nguyễn Văn Cảnh thường mặc áo dài dự các phiên họp Quốc hội. Ảnh: Phan Thanh Hải cung cấp
Tuy nhiên, cũng có những tranh luận cho rằng, sự tiêu cực đang làm lệch hướng câu chuyện xoay xung quanh chiếc áo dài. “Mặc áo dài vẫn có thể tiếp tục ngồi bàn những việc lớn của đất nước. Không nên quy chụp ai mặc áo dài, hay đề xuất mặc áo dài đều chỉ biết bàn chuyện nhỏ nhặt. Ông Cảnh chỉ đề xuất để các đại biểu có thêm lựa chọn về trang phục nhằm mục đích tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa. Đó cũng là điều cần thiết nếu xét góc độ văn hóa” – anh Minh Hoàng nói.

Hiện, đề tài quanh chiếc áo dài ngũ thân tiếp tục gây “sóng gió” trên các diễn đàn mạng xã hội.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội trong khóa XIV, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội – Trần Thị Quốc Khánh cũng đã đề xuất nam giới mặc áo dài.

Bà Khánh cho biết: “Khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người hỏi đại biểu Quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple”.

Bà Khánh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Theo đó, luật này nên khuyến khích nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống trong những sự kiện quan trọng.

Áo dài có đáng bị chỉ trích?

Bộ Văn hóa  Thể thao và Du lịch từng làm Đề án Quốc phục, đến năm 2012 đề án này đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước để tìm kiếm bộ trang phục dành cho công chức, viên chức nhà nước mặc thực hiện các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ ngoại giao.

Nếu áo dài cho nữ nhận được sự đồng thuận của số đông, áo dài ngũ thân cho nam lại kéo theo muôn chiều ý kiến. Giống như khi đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất mặc áo dài ngũ thân cho nam giới, rất đông ý kiến cho rằng áo dài là trang phục quá phức tạp đối với đàn ông.

Áo dài ngũ thân cho nam. Ảnh: Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cung cấp
Trao đổi với phóng viên Lao Động về chiếc áo dài ngũ thân cho nam, lý do chiếc áo dài này chưa nhận được sự đồng thuận của số đông, họa sĩ Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt nêu quan điểm: “Những ý kiến phản đối áo dài nam thường thuộc về những người không hiểu gì về áo dài, nhiều người chê bai áo dài nam nhưng chưa từng mặc áo dài một lần (áo dài may đúng truyền thống)”.

Luôn tồn tại những định kiến cho rằng, đàn ông mặc áo dài nhìn thiếu nam tính, “điệu, ẻo lả”. Bên cạnh đó, áo dài ngũ thân bị phản ứng vì không thuận tiện, gọn gàng như comple.

Ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, phần lớn áo dài hiện nay bị may sai, may theo kiểu sân khấu, luộm thuộm nên mới kém sức thuyết phục.

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến đưa quan điểm: "Thuận tiện hay không là do tỷ lệ chiều dài áo và chất liệu. Tất cả điều này đều có thể khắc phục. Những năm 60, các cụ nhà ta vẫn còn mặc áo dài đi xe đạp được thì chả có gì là không thuận tiện".

Nhà thiết kế áo dài, Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng: "Nam giới có thể không cần mặc áo dài thường xuyên mà sẽ diện vào những dịp trọng đại, đặc biệt. Nếu áo dài giúp thể hiện niềm tự hào, quảng bá văn hóa dân tộc thì bất tiện một chút không phải là vấn đề”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn