MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh cãi quanh bộ phim có thể ảnh hưởng đến bầu cử Pháp

LAN PHƯƠNG (Theo The Atlantic) LDO | 17/04/2017 06:30
“Chez nous” không chỉ thu hút người xem mà còn gây sóng gió trên chính trường nước Pháp.

Cũng giống như Mỹ và hầu hết các quốc gia Châu Âu, trong những năm gần đây, một số cuộc thảo luận về chính trị tại Pháp ngày càng trở nên đối lập gay gắt. Kinh tế phục hồi chậm chạp, tỉ lệ thất nghiệp cao, làn sóng người nhập cư mới tiếp tục gia tăng trong khi thế hệ thứ hai của những người nhập cư trước vẫn còn chưa hoàn toàn hòa nhập với xã hội, nỗi sợ hãi khủng bố luôn thường trực, và một trong những vấn đề hiện đang được tranh cãi nhiều nhất đó là, liệu một xã hội có thể duy trì sự mở cửa trong khi vẫn bảo hộ công dân nước mình khỏi những nguy cơ tiềm tàng hay không?

Ảnh: Nguồn Internet.

Sự rối loạn và mơ hồ gắn liền với cuộc bầu cử sắp tới của nước Pháp trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong một bộ phim mới được trình chiếu thời gian gần đây, mang tên “This Is Our Land” (Mảnh đất của chúng tôi). Ra mắt chỉ hai tháng trước khi nước Pháp chính thức chọn ra một Tổng thống mới, những tranh cãi xung quanh bộ phim này xuất phát từ nhân vật phụ Agnes Dorgelle (do Catherine Jacob thủ vai). Là một nữ lãnh đạo tóc vàng của một đảng cực hữu có dính dáng đến chủ nghĩa dân tộc và chống lại những người nhập cư, Dorgelle gợi nhớ đến nữ chính trị gia, đồng thời là ứng cử viên Tổng thống Pháp - Marine Le Pen.

Bộ phim chống đối Đảng Mặt trận Dân tộc?

Các thành viên của Đảng Mặt trận Dân tộc do Le Pen làm chủ tịch nhanh chóng tuyên bố sẽ tẩy chay bộ phim. Florian Philippot, Phó Chủ tịch của Đảng từng thừa nhận, mặc dù ông mới chỉ xem trailer nhưng rõ ràng, “Chez nous” là “một bộ phim chống lại Đảng Mặt trận Dân tộc”, và không nên được phát hành sát ngày bầu cử như vậy. Tuy nhiên, đạo diễn của bộ phim, Lucas Belvaux lại khăng khăng cho rằng, tác phẩm của mình chỉ nói về chủ nghĩa dân túy một cách chung chung, và không hề có ý định đối đầu trực tiếp bất kỳ đảng phái nào.

Được công chiếu lần đầu vào ngày 30.1 nhưng khán giả Pháp cũng mới bắt đầu được xem “Chez nous” trong một vài tuần gần đây. Nhận xét của người xem khá ấn tượng, với hơn 900 thành viên của trang web điểm phim AlloCiné chấm điểm bộ phim ở mức 3,1/5 sao. Bộ phim cũng nhận được những đánh giá khá tích cực từ giới chuyên môn Pháp. Tuy nhiên, hầu hết những nhận xét này đều chưa giải đáp thỏa đáng những vấn đề đang gây tranh cãi xung quanh bộ phim: Liệu “Chez nous” có thực sự chống đối Mặt trận Dân tộc? Liệu nó có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nước Pháp? Và bộ phim đã phản ánh nền chính trị nước Pháp chính xác đến mức độ nào?


Trong khi nhiều người cáo buộc Belvaux đã đưa ra một bức tranh biếm họa về một chính đảng cực hữu; trong thực tế, dường như vị đạo diễn sinh ra tại Bỉ lại cố gắng xây dựng hình ảnh một đảng phái dần nắm rõ được từng ngóc ngách của chính trường, và không còn muốn làm một kẻ bên lề trong trò chơi này (có những nét tương đồng với quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Dân tộc). Một mặt thừa nhận mối nguy hiểm của làn sóng cực hữu đang ngày càng phổ biến; mặt khác, bộ phim lại khắc họa hình ảnh những người dân Pháp vô cùng bình dị, nhưng lại bị “mê hoặc” bởi những giá trị, sự tiến bộ, bản sắc dân tộc… mà chính đảng cực hữu hứa hẹn với họ.

Nhân vật lấy nguyên mẫu từ nữ chính trị gia cực hữu?

Những cái nhìn sâu sắc của “Chez nous” về cách một đảng cực hữu giành lấy sự ủng hộ của tầng lớp lao động, có thể được áp dụng ở quy mô lớn hơn, chứ không chỉ riêng Đảng Mặt trận Dân tộc, nước Pháp hay thậm chí cả Châu Âu. Cho dù vậy, tuyên bố của đạo diễn Belvaux rằng, bộ phim không lấy đảng của bà Le Pen làm nguyên mẫu, có phần hơi không đáng tin cậy. Nhân vật Dorgelle không chỉ có bề ngoài “trùng hợp” với Le Pen (tóc vàng…), mà bố của người này cũng sáng lập ra chính đảng trong phim - giống hệt như bố của bà Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen v.v… Có quá nhiều tình tiết cho phép khẳng định rằng, Dorgelle không thể chỉ là một nhà lãnh đạo cánh hữu người Pháp thông thường mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.


Ngoài đời thực, việc đạo diễn Belvaux không thích phong trào cực hữu đã từng được ghi nhận; tuy nhiên, “Chez nous” lại không xây dựng bất kỳ nhân vật cánh tả nào có những ý tưởng và thái độ để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Thay vào đó, Belvaux chỉ liên tục đưa ra những ám chỉ rằng, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cô lập đã bị phản đối như thế nào trong một thế giới liên kết và đang ngày càng mở cửa. Thông điệp bộ phim gửi gắm không “lồ lộ” nhưng khá rõ ràng: Ý niệm nước Pháp chỉ dành cho người Pháp là vô nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và đây là một bài học có ý nghĩa không chỉ cho khán giả Pháp mà còn cả người xem trên toàn thế giới.

Ảnh hưởng đến bầu cử Tổng thống Pháp?

Bên cạnh đó, việc “Chez nous” có ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bỏ phiếu hay không, cũng khó có thể nói rõ. “The Conquest”, một bộ phim bi - hài về quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực của cựu Tổng thống Pháp - Nicolas Sarkozy, được công chiếu vào tháng 5.2011. Tuy nhiên, không chắc chắn, liệu bộ phim có phải là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại của ông Nicolas Sarkozy vào năm 2012 hay không? Điều này giải thích tại sao, một số thành viên của Mặt trận Dân tộc tỏ ra lo lắng khi “Chez nous” được trình chiếu vào gần thời điểm bầu cử. Doanh thu phòng vé của cả hai bộ phim đều khá tốt nhưng không phải là quá ấn tượng, cho thấy những tranh cãi chính trị xung quanh chúng dường như không có tác động mạnh mẽ như thể hiện bề ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn