MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh cãi về mẫu trang phục cho lãnh đạo APEC 2017

Bích Hà LDO | 28/04/2017 19:00
Hai mẫu thiết kế trang phục cho lãnh đạo các quốc gia tham dự APEC 2017 bị cho là không mang dấu ấn riêng của Việt Nam.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) vừa công bố 2 mẫu thiết kế đã trình Ủy ban Quốc gia APEC 2017 để lựa chọn trang phục cho lãnh đạo 21 quốc gia tham dự sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam.

Theo đó, Cục đã mời 5 người tham gia thiết kế bộ trang phục từ cuối 2016. Đến hiện tại đã chọn được 2 mẫu cuối cùng của nhà thiết kế Thu Hà và Công ty Thái Tuấn. Theo thông tin từ Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hai bộ trang phục này đảm bảo các yếu tố sang trọng, gần gũi và chuyển tải thông điệp về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Cụ thể, cả 2 mẫu vừa trình đều mang phom dáng veston, lựa chọn hoa sen là điểm nhấn trong tạo hình, trang trí và như một sứ giả văn hóa để chuyển tải thông điệp truyền thống về đất nước, con người Việt Nam.

Hai mẫu thiết kế đang chờ duyệt để chọn làm trang phục cho lãnh đạo dự APEC 2017.  Bên trái ảnh là mẫu áo của nhà thiết kế Thu Hà. Bên phải ảnh là mẫu của Công ty Thái Tuấn. Ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, sau khi Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 lựa chọn mẫu thiết kế cuối cùng, Việt Nam sẽ gửi văn bản đến 21 nền kinh tế thành viên APEC để có các chỉ số may của lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC. Việt Nam sẽ may trang phục cho lãnh đạo theo mẫu thiết kế được duyệt.

Dù đang trong thời gian lấy ý kiến và chờ Ủy ban Quốc gia APEC 2017 duyệt, nhưng khi vừa công bố 2 mẫu thiết kế này, đã có nhiều ý kiến cho rằng cả hai mẫu thiết kế đều chưa thể hiện bản sắc dân tộc. Một số người cho rằng, trang phục này trông giống của Malaysia, hay Indonesia.

Nhiều người thắc mắc tại sao không chọn áo dài, khi lâu nay áo dài vẫn được coi là trang phục truyền thống của người Việt. Áo dài cũng được khuyến khích mặc trong những sự kiện quan trọng. Nhất là từ đầu năm 2017, công chúng, nghệ sĩ và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã kêu gọi người dân mặc áo dài trong dịp lễ, tết để tôn vinh trang phục truyền thống.

Về những băn khoăn này, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL – cho biết, những trang phục này vẫn đang trong giai đoạn thẩm định, hiện Bộ đã trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt. Bộ VHTTDL cũng mong nhận được sự góp ý của các tổ chức, cá nhân có chuyên môn để tìm ra mẫu trang phục hoàn thiện nhất.

Còn Bộ Ngoại giao, Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa APEC 2017 xác định mẫu trang phục cho sự kiện diễn ra tại Việt Nam không phải là lễ phục, quốc phục. Trang phục này sẽ được lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC mặc trong một số hoạt động như chụp ảnh lưu niệm, hoạt động nghi lễ ngoại giao, văn hóa.

Mẫu trang phục thể hiện truyền thống, tinh hoa dân tộc; hình ảnh Việt Nam hiện đại, đổi mới; đảm bảo trang trọng, lịch sự; không trùng lặp với trang phục từng sử dụng. Ngoài ra, trang phục phải thuận lợi trong thao tác và phù hợp khí hậu; có thể làm quà tặng của nước chủ nhà Việt Nam tặng các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự  APEC 2017. 

Áo dài khăn xếp là trang phục dành cho các nguyên thủ tham dự APEC 2006. Ảnh tư liệu

Nếu xét theo tiêu chí này, thì áo dài khăn xếp từng được sử dụng cho APEC 2006 nên sẽ không được sử dụng cho kỳ diễn đàn năm 2017, vì không được lặp lại. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, không nhất thiết lại tiếp tục sử dụng "khăn đóng áo dài", nhưng trang phục được chọn vẫn phải là dòng chảy kế tiếp của truyền thống văn hóa, có sự liên kết, tiếp nối lẫn nhau và nên mang dáng dấp của áo dài - vốn được coi là thương hiệu để nhận diện văn hóa Việt.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn