MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bức tranh gương trong điện Long An - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Tường Minh

Tranh gương - di sản độc đáo hai trong một của cung đình Huế

Tường Minh LDO | 28/02/2023 10:58

Huế -Tranh gương (hay tranh kính) là một dạng di sản khá đặc biệt của cung đình Huế khi vừa có tính vật thể vừa mang tính phi vật thể.

Tranh gương là gì?

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng.

Một bức tranh gương ngự chế của vua Thiệu Trị. Ảnh: Tường Minh 

Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ, thực sự là những bức tranh độc lập.

Về chất liệu thì loại tranh này dùng chất liệu là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương- tức vẽ kiểu âm bản  ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).

Nguyên gốc, tranh gương cung đình Huế chỉ xuất hiện trong cung đình Huế. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, tranh gương cung đình Huế hiện đang được trưng bày, cất giữ tại khá nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (điện Long An và kho hiện vật), cung Diên Thọ (điện chính), lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân), lăng Thiệu Trị (điện Biểu Đức), lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm), lăng Dục Đức (điện Long Ân), lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).

Ngoài các di tích, tranh gương cung đình Huế còn có tại Khoa sử Trường Đại học Khoa học Huế và trong sưu tập cá nhân của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh... 

Tranh gương ở các di tích Huế

Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (điện Long An trong Đại nội Huế) hiện có 19 bức trong đó có 6 bức treo tại điện Long An, trên hàng cột sau thừa lưu - tức tại không gian nối giữa chính điện và tiền điện.

Một bức tranh gương trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Tường Minh 

Sáu bức đều là tranh đề thơ ngự chế, tính từ trái qua phải là các bức sau: Đình Trừ Xúc Cúc (Dạo vườn cúc bên thềm);  Sào Chi Miệt Tước (Chim sẻ làm tổ trên cành); Vĩnh Thiệu Phương Văn (Truyền mãi hương thơm); Sơn Tủng Tùng Đình (Đình tùng ở núi cao); Khúc Chiểu Hà Huyên (Khúc hát của Sen); Yến Lược Không Lương (Én vờn cành trống)  

Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng còn lưu trữ 13 bức tranh khác nhưng có đến 9 bức chỉ còn khung tranh, 4 bức tranh còn lại đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong số này đáng chú ý có bức Trùng minh viễn chiếu (hai vầng nhật nguyệt mãi chiếu về) và một bức vẽ tiểu cảnh của Cao các sinh lương là loại tranh ngự chế thi họa, lấy đề tài trong Thần kinh nhị thập cảnh.

Tại cung Diên Thọ trong Đại Nội Huế hiện có 8 bức tranh gương được treo tại điện chính. Tám bức tranh này được đưa ra từ trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, sau khi ngôi điện này được tu bổ.

Tại lăng Tự Đức hiện có 24 bức tranh gương, treo tại 2 điện Hòa Khiêm và Lương Khiêm.

Tại lăng Thiệu Trị có 23 bức. Trong đó có 17 bức vẽ tĩnh vật, chủ đề bát bửu cổ đồ, cỡ tranh 74cm x 94cm(15 bức treo, 2 bức tạm cất trong góc điện);

4 bức tranh lớn chia ô trang trí, 2 bức tranh áp tường hồi hai bên, khổ 1,93m x 2,33m, mỗi bức chia thành 12 ô, 6 ô vẽ hoa trái, 6 bức viết thơ.

Còn 2 bức gắn vào tường sau, mỗi bức khổ 2,1m x 2,3m, hai bên chia 2 hàng dọc viết câu đối, ở giữa ngăn thành 3 hàng, mỗi hàng chia 5 ô trong đó có 2 ô viết thơ, 3 ô vẽ cổ đồ bát bửu.

Tại Khoa Sử, Trường Đại học Khoa Học Huế có 2 bức tranh thơ gồm: Lang Tập Quần Phương và Trì Lưu Liên Phảng. Hai bức tranh này cũng ghi niên đại : Thiệu Trị Ất Tỵ (1845). 

Tại lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân) hiện treo bức tranh gương, đều là tranh tĩnh vật, không đề thơ.

Tại điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) hiện có 2 bức tranh gương treo tại nội điện nhưng do lâu ngày khói hương bám đen nên không đọc được. Ngoài ra, bức tranh 7 đại đồ đệ của thánh mẫu cũng lấy từ một khung tranh gương để lấy một bức tranh giấy gắn vào.

Tại chùa Báo Quốc có 2 bức tranh gương vẽ tĩnh vật cổ đồ bát bửu, nguồn gốc có thể từ chốn cung đình ra (do các bà Thái hậu tặng).

Tại lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) hiện có 10 bức tranh gương, tất cả đều là tranh vẽ tĩnh vật cổ đồ bát bửu. Ngoài ra còn có các lồng đèn bằng kính, hình trụ vuông, các mặt viết thơ, khi thắp đèn sẽ đọc rõ bài thơ.

Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành phố Hồ Chí Minh), trước đây ông cũng từng có 1 bức tranh gương vẽ tĩnh vật, loại tương tự như tranh treo ở lăng Đồng Khánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn