MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh Lưu Tuyền, hỏi và đáp

VIỆT VĂN (thực hiện) LDO | 05/07/2018 09:32

Trong bối cảnh thị trường tranh Việt còn gặp nhiều khó khăn thì việc họa sĩ Lưu Tuyền bán được 24 bức tranh trong tổng số 32 bức trưng bày tại triển lãm cá nhân “Hiện thực hoàn hảo” là một hiện tượng.

Theo Lưu Tuyền thì bức tranh bán cao nhất, khổ 1m50 là trên 10.000USD, còn thấp nhất tranh khổ nhỏ 21x23cm khoảng 1.000USD.

Hiện thực hoàn hảo 3, chất liệu tổng hợp trên toan, 90x105cm, 2016.

Vì sao tranh bán được?

- Đó là cái duyên. Và có những yếu tố căn bản ở đây như sự đồng cảm khách mua và người vẽ. Phải có sự đồng điệu trong cảm xúc thì gặp nhau mới dễ đón nhận. Có người mua tranh vì yêu thích, có những nhà sưu tập cá nhân, thích và cần có tranh của họa sĩ A, B trong bộ sưu tập. Còn để mua décor - trang trí trong nhà thì không nhiều người mua tranh tôi.

Người mua tranh nói rằng họ bị rung động, cuốn hút với cách làm việc chuyên tâm của họa sĩ.

Tranh của Lưu Tuyền luôn xuất hiện hình ảnh đứa bé và con búp bê…

- Con búp bê ám ảnh tôi từ tuổi thơ. Nhà tôi nghèo, không có điều kiện để có những con búp bê được bày trong tủ kính trang trí như một vật quý trong nhà. Sau này khi học vẽ, tình cờ có lần tôi bắt gặp một con búp bê đặt trong túi bóng để ở nhà của người họ hàng. Và đầu tôi nảy ra ý tưởng thổi hồn cho búp bê như là nhân vật thực sự, không phải để trưng bày.

Búp bê như ẩn mình tránh khỏi mọi mối quan hệ xã hội bên ngoài.

Vậy thông điệp chính trong tác phẩm của Lưu Tuyền?

- Tôi muốn nhấn mạnh giá trị thực trong đời sống hiện đại, vì ngày nay giá trị ảo quá nhiều. Đó là những giá trị bền vững về văn hóa. Trải nghiệm qua những chuyến đi, các nước phát triển đều có giá trị bền vững về văn hóa từ các công trình kiến trúc, cổ vật hàng nghìn năm… Cuộc sống hiện đại ở Việt Nam, nhiều khi con người dần quên đi nền tảng văn hóa mà chú ý tới những giá trị nhanh, thực dụng.

Tiếp đến là những giá trị mang tính chất bản địa, chất Á Đông. Trên một thế giới phẳng, nếu không có giá trị cốt lõi của dân tộc thì sẽ bị hòa tan.

Cuối cùng là giá trị mỗi cá nhân. Cá nhân là một trong những thành tố góp phần làm nên xã hội. Cá nhân phải có ý thức xây dựng cộng đồng văn hóa, cộng đồng phát triển, phải có những đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của xã hội.

Anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa thị trường và tác phẩm nghệ thuật?

Tác phẩm nghệ thuật cũng là mặt hàng tiêu dùng, được sử dụng thỏa mãn nhu cầu nghệ sĩ và công chúng. Việc mua bán tác phẩm có khởi điểm từ xa xưa nhưng thị trường ngày nay, biên độ mở rộng hơn, phân chia thành nhiều dòng hơn…

Khi vẽ tranh, anh có áp lực phải bán tranh?

- Như bây giờ thì không còn, mới vào nghề áp lực là có. Còn giờ cứ vẽ theo cảm xúc, vẽ hết khả năng thì sẽ có ai đó cảm nhận được sẽ mua, mang nó về nhà. Dĩ nhiên cũng có những tính toán để phù hợp đối tượng, như nhà sưu tầm muốn mua 10 bức, mong muốn màu sắc, nội dung khác nhau thì phải đáp ứng. Có thời kỳ đầu, người ta mua tranh của tôi theo hướng cổ điển, khi mình chuyển sang phong cách đương đại thì họ yêu cầu làm sao có những tranh đương đại nhưng vẫn có sự tiếp nối, liên kết, phù hợp với những bức cổ điển trước đó.

Với họa sĩ phải quy chuẩn các tác phẩm, áp dụng cùng mặt bằng giá bán cho người này hay người kia, không vì tham mà thay đổi giá tùy tiện. Giá bán tranh phụ thuộc vào quyết định người mua, chất lượng tác phẩm, các sự kiện nghệ thuật lớn mà họa sĩ tham gia và thỏa thuận hai bên.

Anh dùng hội họa để làm gì?

- Để bộc lộ thân phận của mình, quan điểm cách nhìn về đời sống xã hội, góp phần cải tạo hiện thực, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn