MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm sơn mài "Cảnh đẹp trên cao nguyên" của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng. Ảnh: Phạm Đông

Tranh sơn mài là tiếng vọng của thời gian, lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ quý giá

PHẠM ĐÔNG LDO | 20/01/2024 12:51

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Bảng, với chất liệu truyền thống của son, quỳ bạc, quỳ vàng… những bức tranh sơn mài là tiếng vọng của thời gian, giúp lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ, bình dị, mộc mạc mà vô cùng quý giá.

Sơn mài của Việt Nam trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng

Là một kỹ thuật truyền thống của Việt Nam, sơn mài mang một vẻ đẹp quý phái khó cưỡng. Dù tuổi đời còn khá trẻ, chỉ ngót nghét 100 năm, nhưng tranh sơn mài Việt Nam đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong bức tranh hội họa thế giới.

Thế nhưng “làm” tranh sơn mài chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng. Nguyên liệu dù không hề khó kiếm, nhưng thứ quyết định thành bại của một tác phẩm nằm ở kỹ thuật của người họa sĩ, khi một bức tranh đòi hỏi rất nhiều công đoạn.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với họa sĩ Nguyễn Văn Bảng (sinh năm 1958, Hà Nội) - nguyên Trưởng khoa Mỹ thuật trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội, những trải nghiệm của ông với sơn mài đã kéo dài gần 4 thập kỷ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, không còn lấn cấn, ông ôm trọn chất liệu khó tính này bằng tất cả tình yêu và ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt.

Đều đặn mỗi năm ông đều có những triển lãm nhóm để giới thiệu những "đứa con tinh thần" của mình đến với những người yêu hội họa. Mới đây nhất, tháng 11.2023 ông đã có triển lãm nhóm “Sơn Mài Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm tranh sơn mài phiên chợ vùng cao. Ảnh: Phạm Đông

Chia sẻ với Lao Động những ngày giữa tháng 1.2024, họa sĩ Nguyễn Văn Bảng cho rằng, sơn mài không yểu điệu như tranh lụa, cũng không màu sắc như tranh sơn dầu, song lại ẩn chứa một sự biến ảo mà các chất liệu khác khó lòng mang lại.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng gần như đã nắm được hồn cốt của nghề tranh sơn mài. Theo ông, hầu hết những họa sĩ đã “dính vào” làm tranh sơn mài thì không quay trở lại vẽ các chất liệu khác nữa.

Đem sự huyền bí của sơn mài vào các tác phẩm đậm hơi thở vùng núi Bắc Bộ, họa sĩ Nguyễn Văn Bảng dẫn người xem vào những khung cảnh như cõi mộng. Ngọn núi ẩn hiện trong mây, những mái nhà sàn núp dưới chân đồi, hay những người phụ nữ dân tộc ngồi nghỉ bên vệ rừng, tất cả đều được thể hiện đầy tinh tế mềm mại qua chất liệu tưởng rằng rất thô cứng.

Màu sắc trong tranh họa sĩ Nguyễn Văn Bảng không hề nhạt nhòa, với sắc cam của hoàng hôn ngày họp chợ vùng cao và vẻ xanh mướt của cánh rừng đại ngàn.

Cảnh vật và con người hòa hợp trên tấm vóc, không hề có bất kì sự đối lập nào, lại còn làm nổi bật những chi tiết vô cùng tinh tế đậm tinh thần dân tộc như trang sức bạc và họa tiết đặc trưng trên trang phục của những người phụ nữ dân tộc.

Tác phẩm chị em của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng. Ảnh: Phạm Đông

Tình yêu không tắt với nét đẹp truyền thống

Trong giới họa sĩ theo đuổi chất liệu sơn mài, việc phải đứng trước lựa chọn giữa sơn mài và sơn ta luôn là một đề tài tranh luận nảy lửa. Mỗi chất liệu lại có những đặc trưng riêng, và tùy vào mục đích của người sử dụng sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất.

Riêng với họa sĩ Nguyễn Văn Bảng, ông vẫn luôn “trung thành” với chất liệu sơn ta, mặc dù chính ông cũng thừa nhận với giá thành vật liệu ngày càng tăng, lựa chọn làm tranh sơn mài phảng phất hình bóng của một cuộc chơi “đốt tiền”.

“Chúng ta có hội họa sơn mài là nhờ truyền thống nghề sơn của cha ông để lại. Trong dòng chảy văn hóa Việt, tình yêu sơn ta khi âm ỉ, lúc tỏa sáng, thăng hoa nhưng thời nào cũng được người dân Việt Nam say mê, gìn giữ. Chẳng nói đâu xa, gia đình tôi có ba người theo nghiệp vẽ thì cả ba đều theo đuổi sơn mài bằng sơn ta đích thực", họa sĩ Nguyễn Văn Bảng nói.

Cũng theo người họa sĩ này, cùng với chất liệu truyền thống của son, quỳ bạc, quỳ vàng… những bức tranh sơn mài là tiếng vọng của thời gian, giúp lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ, bình dị, mộc mạc mà vô cùng quý giá.

Với tình yêu sơn mài không mai một của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Bảng đã đạt được nhiều giải thưởng như giải khuyến khích triển lãm mỹ thuật toàn quốc, giải nhì triển lãm mỹ thuật Thủ đô, giải tặng thưởng triển lãm mỹ thuật Thủ đô; tham gia nhiều triển lãm tại Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn