MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trò diễn cầu phúc ngày xuân. Ảnh: Lưu Minh Dân

Trò múa cầu phúc vào mùa xuân ở miền biên viễn

LÝ VIẾT TRƯỜNG LDO | 10/01/2023 10:00
Hằng năm khi mỗi độ Tết đến Xuân về, người Nùng, Tày tỉnh Lạng Sơn lại đắm mình bởi những âm thanh của chiêng trống, điệu múa cầu phúc trong những ngày hội mùa xuân.

Trò múa xứng đáng được UNESCO vinh danh

Trò diễn cầu phúc của người Nùng, Tày còn được gọi là phụ, loòng phụ… Tên gọi “phụ” xuất phát từ chữ “福” (phúc), “富” (phú – giàu có), gắn với ý nghĩa cầu mong phúc lộc và sự giàu có. Ngoài ra hiện nay trò diễn này còn được gọi với tên gọi phổ biến là múa sư tử, bởi hình dáng của con vật và dáng diệu biểu diễn.

Theo Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hoàng Văn Cải – Thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn trò múa cầu phúc này đã có nguồn gốc từ lâu đời, gắn với công cuộc chinh phục tự nhiên và chống lại thổ phỉ, giặc ngoại xâm của những cư dân Nùng, Tày miền biên viễn.

Người Nùng, Tày thường thực hành trò diễn cầu phúc vào mùa xuân, nơi có sự tham gia của đông đảo người dân với mục đích cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc và tài lộc. Trò diễn cầu phúc có rất nhiều lớp văn hóa, đó là phần biểu diễn của con “phụ”, người rừng (Báo đông), khỉ (nả lình) và các tiết mục biểu diễn võ thuật… Tất cả những trò diễn này đều được thực hiện dưới sự điều khiển của đội nhạc, với tiếng thanh la, chiêng, trống, chũm chọe…

Múa võ trong trò diễn cầu phúc. Ảnh: Lưu Minh Dân

Người Nùng, Tày thường biểu diễn trò múa cầu phúc này trong ba ngày Tết, từ mùng Một đến mùng Ba tháng Giêng. Đội múa cầu phúc đi khắp các nhà trong bản, đến nhà nào họ cũng múa vái lạy tổ tiên, xua đuổi tà ma, cầu mong cho gia chủ năm mới làm ăn thuận lợi, đón nhiều phúc lộc.

Ngày mùng Một và mùng Hai tháng Giêng người Nùng, Tày có tục thờ cúng thần Thổ công tại miếu, tại đây người ta cũng thực hành trò diễn cầu phúc với mục đích chúc tết thần linh và cầu mong cho bản làng bình yên, hạnh phúc.

Hội mùa xuân (hàng pồ) là ngày dịp thực hành trò diễn cầu phúc lớn nhất, ở đó có sự tham gia của các đội múa đến từ nhiều địa phương. NNƯT Hoàng Văn Cải cho biết quy mô của ngày hội phần nào được đánh giá thông qua số lượng đội múa cầu phúc đến biểu diễn, hội nào càng có nhiều đội múa tham gia thì hội đó càng lớn và càng thu hút đông đảo du khách thập phương đến dự. Ở Lạng Sơn hiện nay những ngày hội thường có đông đội múa cầu phúc biểu diễn là hội chùa Bắc Nga, hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, hội Hải Yến…

Nhảy qua vòng lửa. Ảnh: Lưu Minh Dân

Trò múa vẫn được thế hệ trẻ giữ gìn

Hiện nay trò diễn cầu phúc vẫn đang được thực hành trong đời sống hằng ngày, Hoàng Văn Khai (24 tuổi) – Thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là một trong số những người trẻ sở hữu di sản này.

Hoàng Văn Khai cho biết từ năm 2015, khi Trung tâm văn hóa tỉnh vào Sơn Hồng mở lớp truyền dạy trò diễn cầu phúc, do NNƯT Hoàng Văn Cải và nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh đứng lớp. Trong vòng 1 tháng mở lớp học, Khai và các bạn cùng trang lứa đã được truyền dạy các điệu múa, thế võ cổ truyền và những kinh nghiệm liên quan đến trò diễn…

Hiện nay, tại thôn Sơn Hồng có khá đông người trẻ biết thực hành trò múa, trong đó có cả những em là học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học cơ sở. Khai cho biết nhiều em mặc dù mới chỉ học lớp 1, 2 nhưng cũng đã biết những điệu múa cơ bản, đấy chính là những hạt giống để trò diễn này không bị mai một.

Chia sẻ về lý do thế hệ trẻ Sơn Hồng luôn có ý thức trong việc bảo vệ trò diễn cầu phúc, Khai cho biết do mọi người từ nhỏ đã được xem các bậc cha chú biểu diễn nên đã có sẵn đam mê. Hơn thế nữa trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác bảo vệ di sản văn hóa truyền thống, nhiều lớp truyền dạy trò diễn cầu phúc được mở càng giúp cho thế hệ trẻ có điều kiện để tiếp thu, lưu giữ và quảng bá di sản quý giá này.

Trò diễn cầu phúc tại hội mùa xuân. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Để góp phần giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và trò diễn cầu phúc nói riêng, Hoàng Văn Khai mong muốn có nhiều lớp truyền dạy và tập huấn, cũng như sân chơi để những người đam mê có cơ hội cọ sát và học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng cần có chính sách quan tâm đến công tác bảo vệ di sản, hỗ trợ nghệ nhân để họ có thêm động lực trong việc bảo vệ, giữ gìn và truyền dạy trò diễn cầu phúc.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 78 đội múa, với 898 thành viên, phân bố ở 72 thôn bản. Trong đó, số lượng nghệ nhân có thể thực hành trò diễn là 725 người, số nghệ nhân có thể truyền dạy là 131 người, 60 nghệ nhân có thể chế tác các loại mặt nạ liên quan đến trò diễn, 16 nghệ nhân có thể thực hiện các nghi thức cúng bái…

Với những giá trị đặc sắc và đóng vai trò quan trọng trong đời sống như vậy, nên trò diễn này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Trong Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn”, GS.TS Bùi Quang Thanh – Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định trò diễn này hoàn toàn xứng đáng được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn