MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn học và môi trường có mối quan hệ mật thiết khi ngày càng nhiều sách về môi trường sống và bản thân những tiệm sách cũng tạo ra một môi trường xanh thân thiện. Chụp tại quán Cà phê Sách “Hạt giống tâm hồn”, TPHCM. Ảnh: Việt Văn

Trồng cây, trồng người và văn học sinh thái

Việt Văn LDO | 12/02/2021 08:08
Khi cả nước hướng về miền Trung đang oằn mình hứng chịu thiên tai để cùng chia sẻ những mất mát, khó khăn với truyền thống “lá lành đùm lá rách” đáng quý của dân tộc, một câu hỏi nhức nhối đặt ra: Vì sao năm nay bão lũ, sạt lở đất kinh hoàng như thế?

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được nhắc tới đầu tiên. Đêm 30 Tết, trời đã trút mưa đá - hiện tượng chưa từng có trong lịch sử ở ta, sau đó là con virus mang tên mỹ miều: Corona - vương miện (nay gọi là SARS-CoV-2) xuất hiện tạo nên những cơn “sóng thần” làm đảo lộn cuộc sống toàn thế giới.

Nhưng còn một nguyên nhân sâu xa hơn chính là nạn phá rừng, tình trạng cây xanh ngày càng cạn kiệt đã khiến thiên nhiên nổi giận khi hệ sinh thái bị phá vỡ.

Cụm từ “chinh phục thiên nhiên” ngày xưa nhiều người hay dùng trở nên nực cười và lố bịch ngày hôm nay. Thuận theo tự nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên thì con người mới có thể vui sống như lối sống của Trang Tử, đang được các học giả phương Tây và phương Đông nghiên cứu nhiều.

Bà Chellry Glotfelty (nữ sĩ là học giả đầu tiên được nhận danh hiệu Giáo sư văn học và môi trường) cho rằng, văn học không thể đứng ngoài cuộc khi chúng ta can dự vào quá trình phá hủy tự nhiên. Trái đất đang lâm nguy, các loài vật dần vắng bóng, con người trở nên bất an bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mà hậu quả là từ chính cuộc sống văn minh gây nên.

Vấn đề môi trường trở nên đặc biệt quan trọng. Ô nhiễm khí thải, ô nhiễm tiếng ồn... và nhiều loại ô nhiễm khác đòi hỏi con người phải nhanh chóng ý thức lại về mình và những việc cần làm ngay.

“Mùa xuân vắng lặng”

Văn học với ba chức năng cơ bản: Nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ luôn đi tiên phong trong các vấn đề cuộc sống.

Khi vấn đề biến đổi khí hậu, sự xuống cấp về môi trường ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên trái đất, thì xuất hiện dòng văn học sinh thái (Ecoliterature) - còn được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác như Văn học sinh thái học (Ecological Literature), Văn học môi trường (Environmental Literature), Văn học xanh (Green Literature), Lối viết tự nhiên (Nature Writing)... Dòng văn học này chú trọng đến trách nhiệm của con người đối với môi sinh, khẩn thiết kêu gọi bảo vệ vạn vật và duy trì cân bằng sinh thái, thực sự phát triển từ nửa sau thế kỷ 20.

Văn học sinh thái ra đời vào năm 1962, khi Rachel Louise Carson là nhà động vật học và sinh học biển (Hoa Kỳ) xuất bản tác phẩm ”Mùa xuân vắng lặng” (Silent Spring). Ngày 27.9.2020, thế giới kỷ niệm 58 năm ngày ra đời “Mùa xuân vắng lặng”, cuốn sách được cho là sự khởi đầu của hoạt động môi trường trên thế giới, đồng thời nó cũng là tác nhân quan trọng nhất để chính quyền lúc bấy giờ dưới thời Tổng thống Nixon thành lập ra Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) vào năm 1970. Vào những năm 50, ở nước Mỹ, người ta dùng thuốc trừ sâu DDT (Dichloro - diphenyl - trichlorothane) phun trên diện rộng tạo thành những đám mây trong không khí để diệt muỗi và những côn trùng có hại, nhưng nó cũng giết luôn cả các loài côn trùng có ích và chim. Tác giả đã đặt câu hỏi: “Tại sao chim chóc lại lặng im không cất tiếng hót vào mùa xuân? Cái gì đã làm cho loài chim im lặng?” Vậy nên, bà quyết định đặt tên cho cuốn sách là “The Silent Spring”. Tác phẩm đã làm xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu, tạo ra một ảnh hưởng sâu rộng tại Hoa Kỳ và làm thay đổi chính sách quốc gia về thuốc trừ sâu. Rachel Carson được truy tặng Huân chương Tổng thống về Tự do (Presidential Medal of Freedom).

Câu nói nổi tiếng của Rachel Carson được nhắc đến nhiều: “Khi chúng ta quan tâm đến bản chất và những điều kỳ lạ của vũ trụ xung quanh chúng ta nhiều hơn, chúng ta sẽ giảm bớt được những tác động phá hoại”.

Văn học môi trường - sinh thái ở Việt Nam

Văn học môi trường - sinh thái Việt Nam có lẽ có bước phát triển nhất định vào khoảng giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990, với sự xoay chuyển điểm nhìn từ tư tưởng con người là trung tâm (Anthropocentrism) sang tư tưởng sinh thái trung tâm (Earth-Centered), như nhà văn Nguyễn Minh Châu viết về loài vật trong “Một lần đối chứng”, “Phiên chợ Giát”.

Trong cuốn sách “Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái” (NXB Giáo dục, 2016) hình thành nhờ đề tài, tư tưởng và phương pháp do PGS.TS Lê Lưu Oanh đề xuất, hướng dẫn và người thực hiện là TS. Trần Thị Ánh Nguyệt, đã phân tích khá sâu sắc những vấn đề của văn học sinh thái.

Tác giả dành nhiều tâm sức để phân tích nhiều sáng tác của Nguyễn Minh Châu, quan tâm đến số phận của người nông dân khi phải chiến đấu với tự nhiên miền Trung - vùng đất khắc nghiệt nhất cả nước... “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát” là những câu chuyện của một người vật lộn với “một triền phía Tây của miền Trung - cái vùng “chó ăn đá gà ăn sỏi”, vùng đất mà “nó có một sức nhai người ghê gớm. Nó nghiền nát những con người ra rồi vắt lại theo cái hình thù đã có từ ngàn đời của nó... “. Rồi vùng đất Quảng Trị trong “Cỏ lau” cũng khắc nghiệt chẳng kém. “Một vùng núi đá dựng đứng đầy vắng lặng, chim kêu vượn hót cũng không, chỉ có núi đá và núi đá nối nhau chạy dài dọc theo sông ôm lấy một cái thung lũng mọc độc một thứ cỏ lau đang trổ một trời hoa tím nhạt”, con người phải giành giật từng nắm đất với cỏ lau...

Theo tác giả, nhà văn Nguyễn Minh Châu không hề viết về bài ca chiến thắng của con người với hoàn cảnh bằng cái nhìn một chiều. Toàn bộ cảm hứng lại dồn vào thể hiện sự khắc nghiệt của tự nhiên, trong cuộc vật lộn với tự nhiên để mưu sinh. Hai vợ chồng lão Khúng trong “Khách ở quê ra” sống giữa rừng như thời hồng hoang nên tính cách cũng thay đổi: “Cả hai vợ chồng trở nên lầm lì, tính nết cũng trở nên âm âm u u như tính nết của rừng”. Nguyễn Minh Châu đã từ bỏ sự lãng mạn để nói về sự nhọc nhằn cơ cực của người nông dân khi vật lộn mưu sinh với đất đai - thứ mà họ coi như máu thịt của mình.

Theo nhà văn Hoài Hương (TPHCM), những năm qua, văn học sinh thái Việt Nam đã đề cập đến biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn: “Sầu trên đỉnh Puvan”, “Nước như nước mắt”, “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư, “Trăm năm còn lại” của Trần Duy Phiên; những phận người tận diệt thiên nhiên bằng phá rừng, săn thú, đào vàng... trong tác phẩm của Nguyễn Trí (“Bãi vàng, đá quý, trầm hương”), Hoa Ngõ Hạnh (“Con gấu già trong thung lũng Trại Xai”, “Tìm trầm”, “Linh hồn ong chúa”...), Triệu Hoàng Giang (“Nghiệp rừng”), Nguyễn Huy Thiệp (“Con thú lớn nhất”, “Sói trả thù”)... Và trong các tác phẩm này đều đưa vấn đề về mất cân bằng môi trường thiên nhiên, khi thiên nhiên bị hủy hoại thì sự sống của con người tất sẽ bị đe dọa thậm chí bị hủy diệt bởi những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như luật nhân - quả.

Văn học môi trường - sinh thái đưa trách nhiệm của con người đối với môi trường thành định hướng đạo đức chủ yếu: Con người tôn trọng, yêu thương, che chở thế giới tự nhiên, nhìn vào vạn vật để điều chỉnh đạo đức. Con người không phải là chúa tể chinh phục thiên nhiên mà là người biết sống thân thiện với thiên nhiên, biết yêu thương thiên nhiên khi bị tổn thương, biết chia sẻ cảm giác đau với muôn loài sinh vật trong thiên nhiên, biết lắng nghe tiếng nói từ vạn vật. Văn học Việt Nam đương đại cũng đã có một số tác phẩm đề cập khía cạnh này như: “Thập giá giữa rừng sâu” (Nguyễn Khắc Phê), “Giải vía” (Hà Thị Cẩm Anh), “Con thú bị ruồng bỏ” (Nguyễn Dậu), “Biển người mênh mông”, “Cái nhìn khắc khoải” (Nguyễn Ngọc Tư), “Tre hoa nở” (Quế Hương), “Người trồng địa lan”, “Thủy tiên”, “Tầm lan”, “Mặc Phúc Xuyên”, “Tuyệt chiêu” (Dương Duy Ngữ), “Mối và người, Kiến và người, Nhện và người” (Trần Duy Phiên)...

Trong công trình nghiên cứu “Diễn trình sinh thái trong văn xuôi Nam Bộ”, TS Bùi Thanh Truyền - Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm TPHCM - cho thấy tinh thần mội trường - sinh thái là một yếu tố thiết yếu của văn học trên mảnh đất này với sự có mặt của những tên tuổi như: Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động, Khôi Vũ, Dạ Ngân, Lý Lan, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Lưu Thị Lương, Trần Đức Tiến, Trầm Hương, Mai Bửu Minh, Thu Trân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Trí, Trần Tùng Chinh, Nguyễn Lập Em, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần...

Và qua những thiệt hại kinh hoàng bão lũ vừa qua hay trước đó là nạn xâm mặn Đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng các nhà văn góp thêm tiếng nói về môi trường trong các tác phẩm văn học.

Càng ngày, tầm quan trọng của môi trường sống càng trở nên bức thiết. Và lời dạy của Bác Hồ năm nào: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây/ Vì lợi ích 100 năm trồng người” càng thấm thía, sâu sắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn