MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trưng bày gốm cổ Bát Tràng từ thế kỉ 14

Huyền Chi LDO | 18/05/2023 14:24

Ngày 18.5, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” nhân dịp ngày Quốc tế Bảo tàng (18.5.2023).

Triển lãm "Gốm cổ Bát Tràng" giới thiệu tới công chúng sưu tập hiện vật độc đáo, đặc sắc gốm Bát Tràng từ thế kỉ 14 đến thế kỷ 20.

Tại đây, công chúng trong nước và bạn bè quốc tế sẽ có dịp thưởng thức bộ sưu tập gốm cổ Bát Tràng vô cùng phong phú, có giá trị mỹ thuật cao, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, cho biết: "Làng gốm Bát Tràng làm ra nhiều vật phẩm gốm quý mang sắc thái riêng, qua nhiều thế kỉ được ưa chuộng từ làng xã đến cung đình, từ đồ thờ cúng dân gian đến cống phẩm ngoại giao".

TS. Nguyễn Viết Đoàn phát biểu khai mạc. Ảnh: Huyền Chi

Vào thế kỉ 14, Bát Tràng chủ yếu sản xuất đồ gốm với các loại hình: bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm "men tiền lam".

Nửa sau thế kỉ 14, xuất hiện một dòng sản phẩm gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng, hoa văn chủ yếu là đường chỉ, hoa lá được vẽ hết sức thô phác, mờ nhạt.

Đây là loại gốm được các nhà nghiên cứu gọi là "tiền men lam" đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men này và nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời.

Đến thế kỉ 18, những biến động lịch sử của quốc tế và trong nước khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam dần bị lụi tàn.

Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và đồ kiến trúc rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội.

Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm những giá trị đặc sắc văn hoá dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.

Thông qua trưng bày chuyên đề "Gốm cổ Bát Tràng", Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Trưng bày mở cửa từ 18.5 đến tháng 9.2023. Ảnh: Thùy Trang
Nhiều phụ huynh đưa con đến xem các hiện vật, tác phẩm gốm cổ. Ảnh: Thành Trung
Lư hương hoa lam và nhiều chân đèn, mảnh gốm cổ được trưng bày. Ảnh: Huyền Chi
Trưng bày thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Huyền Chi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn