MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim Pacific Rim (Siêu đại chiến Thái Bình Dương) (2013). Nguồn ảnh: Internet

Trung Quốc, thị trường điện ảnh tương lai và nỗi lo Hollywood

BÙI TRÍ HIẾU (VIỆN PHIM VIỆT NAM) LDO | 16/12/2017 06:41
Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỉ dân đang là một nền điện ảnh lớn trên thế giới và còn là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà sản xuất phim Hollywood. 

Tuy nhiên, Trung Quốc khá khắt khe trong việc cho phép các sản phẩm giải trí nước ngoài phát hành nội địa, khi chỉ cho phép nhập 34 phim nước ngoài mỗi năm. Đó lại là một “cơ hội vàng” để Hollywood thu hồi vốn với các bộ phim bom tấn xịt đã thất thu tại các phòng vé tại Mỹ.

Nhưng liệu đó có phải là điều đáng mong chờ đối với khán giả, khi thị trường Trung Quốc đang khuyến khích các nhà sản xuất phim Mỹ giảm chất lượng của sản phẩm trong nhiều năm tiếp theo?

Lần đầu đột phá rạp chiếu Trung Quốc

Năm 1994, The Fugitive (Kẻ trốn chạy) có sự góp mặt của Harrison Ford và Tommy Lee Jones là bộ phim nước ngoài đầu tiên được chiếu tại Trung Quốc đã trở thành một cú hit sau một thời gian thiếu hụt các bộ phim chiếu rạp chất lượng. Nhiều rạp chiếu tại Thượng Hải đã phải tăng gấp đôi giá vé do số lượng người xem quá đông. The Fugitive đã đem về cho hãng Warner Bros hơn 368 triệu đôla Mỹ. Kể từ đó, Trung Quốc cho phép nhập 10 phim nước ngoài mỗi năm và con số này được Hollywood đẩy mạnh, khi chính quyền Mỹ đàm phán nâng dần mức nhập phim lên con số 20 vào năm 2001 và 34 phim bắt đầu từ năm 2012 trở đi.

Kiểm duyệt điện ảnh tại Trung Quốc

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây đã có rất nhiều bộ phim Hollywood được xuất hiện tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Hollywood luôn gặp phải khâu kiểm duyệt khắt khe với mục tiêu không chỉ phim hay mà còn phải phù hợp với văn hóa và tình hình chính trị tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Bởi vậy, các nhà sản xuất buộc phải cắt bỏ và thay thế rất nhiều cảnh phim lấy bối cảnh ở Trung Quốc để làm hài lòng các nhà kiểm duyệt. Không chỉ vậy, các hình ảnh hay đoạn phim có nhận xét không tích cực về nhà nước đều bị cấm đưa vào lãnh thổ Trung Quốc.

Qua đó, Hollywood đã liên tục thay đổi nhiều cảnh phim sao cho phù hợp với kiểm duyệt nhằm đưa phim vào thị trường “béo bở” này. Có thể thấy qua một số phim như World War Z (Thế chiến Z) (2013) bị nhà sản xuất thay đổi kịch bản mà vốn theo nguyên gốc tiểu thuyết, nguồn phát bệnh zombie bắt nguồn từ nạn mổ cắp nội tạng cấy ghép tại chợ đen Trung Quốc; Iron Man 3 (Người sắt 3) (2013) bị thay đổi kẻ phản diện Mandarin vốn ban đầu là một tên tội phạm hắc ám người Trung Quốc; Dr.Strange (Phù thủy tối thượng) (2016) đã thay đổi bậc thầy Ancient One - một phù thủy người Tây Tạng thành nhân vật nữ da trắng…

Giá trị thương mại vượt lên trên giá trị nghệ thuật

Quả thực, thị trường khán giả Trung Quốc đã góp phần không nhỏ cho việc nâng cao doanh thu của phim Hollywood, thậm chí đóng vai trò “giải cứu” các bộ phim không được ưa chuộng tại Mỹ. Đơn cử như Pacific Rim (Siêu đại chiến Thái Bình Dương) (2013) của đạo diễn Guillermo del Toro là một thất bại khổng lồ khi ra mắt sau những trailer hoành tráng khiến khá nhiều người mong mỏi. Với kinh phí 190 triệu USD, phim chỉ thu về được hơn 101 triệu tại khu vực Bắc Mỹ. Thế nhưng bộ phim này lại gặt hái được 111 triệu tại thị trường Trung Quốc giúp nhà sản xuất hoàn vốn.

Một ví dụ khác là Warcraft (2016) được làm dựa trên tựa game cùng tên đình đám cũng trở thành nỗi thất vọng màn ảnh đối với vô số fan hâm mộ. Phim chỉ thu về hơn 46 triệu đôla trên đất Mỹ và tại Trung Quốc, doanh thu đã vượt ngưỡng 221 triệu, giải quyết phần nào bài toán chi phí khi nhà sản xuất bỏ ra lên tới 160 triệu USD.

Cái cớ để làm... phim tồi

Trung Quốc đã cho xây dựng thêm 27 rạp chiếu phim trong năm 2017. Từ tháng 11.2016, đất nước đông dân nhất thế giới này đã vượt mặt Mỹ về số lượng rạp chiếu và theo dự kiến trong năm 2018, họ sẽ soán ngôi của Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh đứng đầu thế giới. Đổi lại, dưới tác động của thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất được “dễ thở” hơn đối với nỗi lo không thu hồi được vốn. Tuy vậy, chất lượng phim vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Nhiều bộ phim được sản xuất với trình độ kịch bản yếu kém nhưng vẫn được các nhà sản xuất sử dụng chiêu trò quảng cáo để lừa khách đến rạp. Không những thế, rất nhiều phim dở tệ đã xuất hiện trong năm 2017 này như Transformers 5: The Last Knight (Robot đại chiến 5: Chiến binh cuối cùng), Pirates of the Caribbean 5: Dead Men Tell No Tales (Pirates of the Caribbean 5: Salazar báo thù), The Emoji Movie (Đội quân cảm xúc)… Điều này cho thấy, điện ảnh Mỹ đang dần bỏ quên chất lượng điện ảnh, tiêu chuẩn đã tạo nên nền tảng Hollywood. Nhiều nhà sản xuất cho rằng thu được nhiều vốn là làm phim hay mà không biết, liệu đó chỉ là cái cớ để làm phim tồi?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn