MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bật tivi trong khách sạn xem các chương trình đều phải trả tiền tác quyền, chứ không phải thu phí. Ảnh: T.L

Trung tâm Bảo vệ Bản quyền âm nhạc Việt Nam: Đếm ti vi trả tiền là đúng luật

MINH THI LDO | 12/09/2017 14:30
Ngày 11.9, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - chi nhánh phía Nam trực tiếp giải đáp các vấn đề liên quan đến hoạt động của trung tâm trong thời gian qua, đồng thời thông báo tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình phát tại các khách sạn.

Bị phản ứng mới rà soát quy trình cấp phép

Ngày 26.5, trước làn sóng phản đối của dư luận về việc thu tiền nhạc ti vi trong khách sạn, Cục Bản quyền đã đề nghị VCPMC tạm dừng thu tiền quyền tác giả trong lĩnh vực này cho đến khi xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc.

Ngày 18.8, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với VCPMC nhằm tháo gỡ những khó khăn và yêu cầu báo cáo về việc cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc. Cuộc họp ghi nhận VCPMC đã xây dựng biểu mức tiền nhuận bút được khai thác, sử dụng (từ năm 2006), thực hiện đúng quy trình tổ chức thu (hiện đang thu 19 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc), thu theo từng bài hát, từng đợt sử dụng, hoặc thu trọn gói cho 1 năm sử dụng.

Theo ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Chi nhánh phía Nam của VCPMC, tính đến nay đã có gần 4.000 tác giả ký hợp đồng ủy quyền thu tác quyền cho Trung tâm. Ngoài ra, VCPMC cũng ký song phương với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều năm qua, trung tâm đã thu về hơn 5 tỉ đồng tiền bản quyền cho các tác giả trong nước có tác phẩm sử dụng ở nước ngoài, song lại mang về cho các tổ chức quốc tế đến… 62 tỉ đồng nguồn thu từ tác phẩm của tác giả nước ngoài tại Việt Nam.

Đặc biệt, khác với dư luận từng lên tiếng, trung tâm khẳng định không thu tác quyền đối với những tác phẩm đã tuyên bố độc quyền hoặc không thuộc phạm vi ủy quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, có thể thương lượng với phía nước ngoài với mức giá tương đối để doanh nghiệp có thể sử dụng tác phẩm.

Đơn cử, trường hợp bài “Hello Vietnam” (Bonjour Vietnam) là độc quyền, trung tâm đã phải đàm phán với tổ chức bản quyền SACEM (Pháp) để có giá 10.000 USD (trước đó, phía đối tác đòi thu tác phẩm này 100.000USD), Vietjet mới có thể sử dụng bài hát này trên máy bay.

“Bên nước ngoài, họ đặt ra mức giá mà Việt Nam không theo nổi, nên khi thương thảo với đối tác các ca khúc phát sóng trên truyền hình, chúng tôi cũng đàm phán ngang với mức giá của tác phẩm trong nước và phải qua nhiều lần mới nhận được sự đồng ý từ phía họ” - ông Cẩn chia sẻ.

Cũng theo ông Cẩn, việc một số người sử dụng quyền tài sản của người khác khi chưa được phép rồi viện lý do không thỏa thuận được để ngang nhiên sử dụng là không thấu tình đạt lý, vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Đếm ti vi trả tiền đúng luật

Dư luận vừa qua nêu vấn đề: Trung tâm cần phải chứng minh tác giả ủy quyền mới được thu, hay người kinh doanh có quyền từ chối đóng tác quyền, tuy nhiên, theo ông Đinh Trung Cẩn, họ quên mất rằng nghĩa vụ của mỗi đối tượng trong quan hệ quyền tác giả đều được pháp luật quy định rõ. Trung tâm chỉ thu cho những ai có ủy quyền. Còn người sử dụng cần xác định rõ phải đạt được thỏa thuận thì mới được sử dụng, không được xài chùa chỉ vì cho rằng “quy định vô lý”.

Tuy nhiên, điều mà người ta thắc mắc là việc chi trả của trung tâm làm sao được thực hiện minh bạch, để tránh bớt tiếng xấu “mang tiền tác quyền đem gửi ngân hàng”.

Giải thích vấn đề này, ông Đinh Trung Cẩn cho rằng, số tiền còn lại chưa đủ điều kiện phân phối, như: Hợp đồng chưa hết hạn còn chờ đơn vị bổ sung danh mục, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng đơn vị chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đầy đủ, hợp đồng đã thu đủ tiền nhưng đơn vị chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng, tác giả đang tranh chấp quyền thừa kế…

Ngược lại, khi có nhạc sĩ già yếu, hay đau ốm, trung tâm trích ngay phần dự toán để hỗ trợ, như trường hợp trước đây cố nhạc sĩ Thanh Sơn cần tiền chữa bệnh, hay con của nhạc sĩ Bảo Phúc bị ung thư cần giúp đỡ…

Cơ sở để thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại các phòng lưu trú trong khách sạn là hợp đồng cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với các đài, kênh truyền hình trong phạm vi “quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng” theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, khoản 4 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP.

Ngoài ra, trung tâm cũng cung cấp những quy định khác, trong đó có văn bản của tổ chức CISAC nêu thông lệ phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới: Việc sử dụng âm nhạc thông qua các chương trình phát sóng trong khuôn viên khách sạn, trong các phòng nghỉ được coi là hoạt động biểu diễn công cộng.

Cũng theo trung tâm, việc thu 25.000 đồng không phải là lệ phí, mà là tiền tác quyền và việc thu này ở các tỉnh phía Nam đã tiến hành nhiều năm nay, chỉ mới bị phản ứng ở Đà Nẵng nên tạm dừng. Năm 2016, tổng tác quyền thu được theo chi nhánh phía Nam từ lĩnh vực khách sạn, resort, cao ốc là trên 3,5 tỉ đồng.

Phản hồi về những cáo buộc của nhạc sĩ Phú Quang trước những khoản thu chi thiếu minh bạch của VCPMC, ông Đinh Trung Cẩn cho rằng, người nhạc sĩ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Trung tâm không có thời gian đôi co hay khởi kiện, mà cứ làm việc hết sức mình, còn thì chờ thời gian trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn