MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ VCPMC, nhiều nhạc sĩ nhận được số tiền bản quyền lớn mỗi năm. Ảnh: FBNV.

Trung tâm tác quyền âm nhạc thu hơn 1.000 tỉ đồng cho các nhạc sĩ

Chi Trần LDO | 21/09/2022 15:21
Sau 20 năm thành lập, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được 1.063 tỉ đồng phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam vừa kỷ niệm 20 năm thành lập. Tại sự kiện này, đại diện trung tâm công bố tổng số tiền VCPMC thu được từ khi thành lập qua từng năm.

Trong đó, năm 2002 là 78 triệu đồng, 2012 thu 48 tỉ đồng, 2021 tăng lên 160 tỉ đồng và năm nay dự kiến đạt trên 230 tỉ đồng. Nguồn thu tập trung ở một số lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn và các loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc; phát thanh và truyền hình; trực tuyến với các mảng website, ứng dụng di động, nhạc chuông, nhạc chờ...

Theo ông Đinh Trung Cẩn, tổng giám đốc VCPMC, dòng nhạc thu được nhiều tiền tác quyền nhất là nhạc đỏ (tức nhạc cách mạng) với sức sống trường tồn, sử dụng trong phát thanh, truyền hình và nhiều chương trình văn hóa, xã hội. Tiếp theo là nhạc thị trường, cuối cùng là nhạc cổ điển.

Nhờ đó, nhiều nhạc sĩ có thể sống được bằng nghề. Trong đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thu hơn 1,2 tỉ đồng trong năm 2021. Nhạc sĩ Hoài An cũng cho biết số tiền tác quyền mà anh thu được hiện nay gấp vài trăm lần thời kỳ đầu. Việc ký hợp đồng với VCPMC giúp quyền lợi của họ được đảm bảo, đồng thời yên tâm hoạt động sáng tạo. 

VCPMC còn hỗ trợ nhạc sĩ bảo vệ quyền tác giả. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, năm 2008, bài Vầng trăng khóc do anh sáng tác bị một số đơn vị của Trung Quốc, Thái Lan sử dụng. Điều này khiến nhiều người cho rằng anh đạo nhạc. Nhờ VCPMC gửi đơn lên Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời CISAC để kiểm tra, bài hát được công nhận là của anh.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nằm trong nhóm dẫn đầu về số tiền thu được hàng năm từ tác quyền âm nhạc. Ảnh: FBNV.

Nam nhạc sĩ từng chia sẻ: "Nhiều bài hát mà mình đã tâm huyết sản xuất, giới thiệu sản phẩm nhưng cuối cùng người hưởng nhiều nhất đôi khi không phải ca sĩ mà là đơn vị sản xuất, phân phối. Chuyện đó khiến tôi rất bức xúc.

Cho nên, tôi đặt hết niềm tin vào VCPMC, nơi các nhạc sĩ như tôi có tư vấn về pháp lý, bản quyền. Họ thay mặt các nhạc sĩ dùng thời gian, kiến thức của họ để tranh đấu, đòi lại quyền lợi mà chúng tôi chính đáng nhận được".

Nhạc sĩ cũng mong chờ sự ý thức, văn minh và sự tôn trọng quyền tác giả một cách tối đa nếu công nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc Việt Nam.

Từ 240 tác giả ban đầu đến nay, VCPMC hiện đã có 5.300 nhạc sĩ trong nước tham gia. Trung tâm cũng ký hợp đồng song phương với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhận ủy quyền của hơn năm triệu nhạc sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn