MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trả lời vụ vợ Xuân Bắc livestream tố cáo

H.N LDO | 26/09/2017 11:10
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã có văn bản trả lời chính thức về các vấn đề giảng viên Nguyễn Hồng Nhung - vợ Xuân Bắc - livestream tố cáo cách đây 2 tuần.

Hôm 11.9, vợ nghệ sĩ Xuân Bắc - giảng viên Nguyễn Hồng Nhung gây xôn xao dư luận khi livestream khóc nức nở, kể chuyện bị chèn ép, không được chấm thi tốt nghiệp, đồng thời phản ánh việc cơ sở vật chất của trường xuống cấp cùng nhiều vấn đề tồn tại khác.

Hai ngày sau, lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã có cuộc họp kéo dài gần 9 giờ đồng hồ với giảng viên Nguyễn Hồng Nhung để giải quyết các khúc mắc. Và đến chiều 25.9, nhà trường đưa ra văn bản trả lời chính thức về các vấn đề được dư luận quan tâm.

Liên quan đến việc chị Hồng Nhung bức xúc khi không được chấm thi tốt nghiệp vào tháng 6, nhà trường cho hay, giảng viên Hồng Nhung đã trực tiếp cầm giấy đề nghị lên gặp Hiệu trưởng và được Hiệu trưởng giải thích. Giảng viên Hồng Nhung cảm thấy thỏa đáng, không nộp giấy đề nghị. Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, chị Hồng Nhung lại gửi giấy đề nghị lên Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường và ngày 11.9 livestream tố cáo.

Vợ Xuân Bắc livestream bức xúc về việc bị chèn ép  cùng nhiều vấn đề tồn tại khác tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Những phản ánh của chị Hồng Nhung về việc cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học được nhà trường thừa nhận là đúng hiện trạng, nhưng là do các nguyên nhân khách quan. Về đề xuất đầu tư trang thiết bị phòng học đạt yêu cầu theo ngành học, nhà trường cho biết “trên cơ sở của khoa mới xin kinh phí thành phố, và sẽ thực hiện trong năm học 2017-2018”.

Về việc chị Hồng Nhung cho rằng bị NSND Anh Tú chèn ép, nhà trường khẳng định “không nhận được yêu cầu từ cá nhân NSND Anh Tú với lãnh đạo trường”. Nhà trường cũng khẳng định những thông tin khác do giảng viên Hồng Nhung trình bày tại cuộc họp chỉ mang tính chất cá nhân, cũng không đưa ra minh chứng để đối chất nên nhà trường không có ý kiến, bình luận thêm.

Tuy nhiên, lãnh đạo trường cũng cho rằng "việc dùng livestream để tạo dư luận không chính xác về nhà trường, làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín và công tác đào tạo của nhà trường. Nhà trường đã họp và có những kết luận cụ thể, đúng sai để giải quyết thỏa đáng và đúng pháp luật". Nhà trường cũng cho hay từ năm 2014 đã có ban hành quy định về phát ngôn trên mạng đối với cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn