MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng. Ảnh minh hoạ

Từ bãi cọc Cao Quỳ: Nhớ về một năm Tý đỉnh cao trong lịch sử

Đình Trường LDO | 26/01/2020 10:00
Đầu xuân Canh Tý 2020, "ôn cố tri tân" về 8 thế kỷ trước, với một năm Tý đã ghi dấu ấn chói lọi trong lịch sử dân tộc - lần thứ 3 đại thắng quân Nguyên Mông. Và một bãi cọc bất ngờ phát lộ, nhắc nhở chúng ta về một giá trị đã làm nên đỉnh cao của dấu ấn ấy - chiến thắng sông Bạch Đằng 1288

Trận thuỷ chiến năm Mậu Tý 1288

Theo sách "Đại việt sử ký toàn thư" cuối năm 1287, Hốt Tất Liệt cử con trai là Thoát Hoan mang quân sang xâm lược Đại Việt.

Sau hai lần thảm bại vào các năm 1258 và 1285, đế chế Nguyên Mông vẫn ôm mộng tiến xuống phía Nam. Nhưng dã tâm này ngay sau đó đã bị giáng đòn chí mạng. Toàn bộ số lương thực tiếp tế cho quân địch do Trương Văn Hổ cầm đầu đã bị tướng Trần Khánh Dư chỉ huy quân phục kích, đánh chìm ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Sau này, khi tiến được vào kinh thành Thăng Long, quân Nguyên Mông lại gặp phải thế "vườn không nhà trống" mà vua tôi nhà Trần đã chuẩn bị từ trước. Nguyên sử còn ghi lại rằng “Người Giao Chỉ đem hết thóc gạo cất giấu đi nơi khác”. 

Rơi vào cảnh cùng quẫn vì thiếu lương thực, lại không quen khí hậu, thổ nhưỡng, quân Nguyên Mông dần cạn kiệt khí thế chiến đấu. Trong tình thế đó, Thoát Hoan quyết định chia quân theo 2 đường thuỷ, bộ rút về nước.

Sơ đồ Chiến dịch Bạch Đằng 1288. 

Tháng 4 năm Mậu Tý 1288, đạo quân thuỷ do Ô Mã Nhi cầm đầu tiến vào sông Bạch Đằng. Nhà Trần cho quân ra khiêu chiến rồi vờ thua chạy. Ô Mã Nhi hiếu chiến cho quân đuổi theo rồi rơi vào trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng. 

Lúc này, quân nhà Trần mới quay lại tấn công áp đảo. Nhận thấy bị vây ráp, Ô Mã Nhi vội vã lệnh cho quân hướng ra biển để thoát thân. Tuy nhiên, lúc này, thuỷ triều đã rút, hàng loạt các cọc gỗ đã được Trần Quốc Tuấn cho quân cắm dưới sông trước đó, bắt đầu lộ ra, chọc thủng đoàn thuyền của địch. Kế đó, phục binh của Đại Việt từ các hướng bắn tên như mưa xuống thuyền giặc.

“Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết. Nước sông vì thế đỏ cả" (sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép). Nguyên Mông đại bại trên sông Bạch Đằng, tướng Ô Mã Nhi bị bắt sống.

Trong khi đó, đoàn bộ binh do Thoát Hoan rút về bằng đường bộ, đến Lạng Sơn cũng bị phục binh của Phạm Ngũ Lão chặn đánh. Tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, bắt quân lính khiêng chạy về nước. 

Chiến thắng Bạch Đằng 1288 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan ý chí xâm lược của đế chế Nguyên Mông, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Một lần nữa, tôi phải khẳng định, chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa trọng đại trong toàn bộ di sản truyền thống của dân tộc. Nó không còn chỉ là chiến thắng cụ thể trên vùng nào, trong giai đoạn lịch sử nào nữa mà là một niềm tự hào chung của cả dân tộc mỗi khi nhắc đến".

Không chỉ có ý nghĩa trong nước, các chuyên gia đánh giá, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 mang tầm vóc quốc tế vì đã góp phần khiến quân Nguyên Mông phải huỷ bỏ kế hoạch đánh Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. "Chiến thắng Bạch Đằng đã mở ra giai đoạn mà đế chế Nguyên Mông suy yếu dần đến lúc tan rã" - giáo sư Giang nói.

Một phát lộ "diệu kỳ"

Đáng chú ý, chỉ khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sau một thời gian khai quật, tháng 12 năm 2019, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ được tìm thấy dưới lớp bùn đất tại các hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên).

Cọc được đóng sâu đến 2,5m;  đường kính mỗi cọc từ 20 - 50 cm; chôn cách nhau 5 - 7m. Cọc được đóng xuống lòng đất theo phương thẳng đứng, hoặc nghiêng 20-15 độ theo hướng tây, nam.

Nhiều cọc gỗ có niên đại từ khoảng thế kỷ 13 được tìm thấy ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng). Ảnh: Mai Chi.

Kết quả giám định một số cọc cho thấy có niên đại từ năm 1270 đến 1430. Chính vì vậy, giới nghiên cứu nhận định, bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ chính là di tích bãi cọc liên quan  đến trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan: "Việc xuất hiện những chiếc cọc đầu tiên rồi là cả một bãi cọc được khai quật khảo cổ học là một sự kiện diệu kỳ. Nó sẽ báo hiệu một tương lai rất khả quan về việc nghiên cứu truyền thống Bạch Đằng giang".

Theo giới nghiên cứu, các cọc gỗ có thể làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng 1288. Ảnh: Mai Chi.

Ngay sau đó, ngày 21.12.2019, chính quyền TP.Hải Phòng đã tổ chức hội thảo khoa học có sự tham dự của lãnh đạo địa phương, các sở ngành liên quan và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học uy tín.

Tại đây, TS Trần Đình Thành - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)  đã đề nghị chính quyền TP.Hải Phòng cần tiến hành để đưa khu vực bãi cọc Cao Quỳ được xếp hạng di tích.

Đồng thời, các chuyên gia nhận định, với những tiêu chí bước đầu nhận diện, khu vực bãi cọc này hoàn toàn có thể trở thành di sản thế giới. 

Tất nhiên, vẫn cần có thêm thời gian và mở rộng nghiên cứu để chắc chắn cho việc khẳng định tầm vóc của bãi cọc Cao Quỳ. Nhưng những gì được tìm thấy cho đến hiện tại đang mang lại nhiều hứa hẹn trước mắt chúng ta, để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống hào hùng trong lịch sử dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn