MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoà Vang triển khai điểm du lịch cộng đồng đầu tiên với kỳ vọng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: H.V

Tư duy mở, đổi mới vì người dân

MAI CHÂU - HOÀNG VINH LDO | 18/10/2019 08:08

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, lãnh đạo huyện Hoà Vang thí điểm lựa chọn thôn Tả Lang - Giàng Bí (xã Hoà Bắc) làm mô hình du lịch cộng đồng với phương châm “Của dân, do dân, vì dân...”.

Đưa đồng bào dân tộc đi tham quan, học tập các mô hình du lịch cộng đồng

Năm 2019, huyện Hoà Vang đã tham mưu Huyện uỷ triển khai nghị quyết số 11, trong đó tập trung 2 giải pháp đột phá đưa du lịch Hoà Bắc trở thành điểm đến mới, hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng. Dự án không lớn nhưng là nỗ lực tìm hướng đi, giải pháp phù hợp.

Ngoài phương thức cho cộng đồng người Cơ Tu mượn vốn, việc thành lập một Tổ hợp tác để trực tiếp cùng người dân làm du lịch cũng được thực hiện và làm được nhiều điều, như thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp “cầm tay chỉ việc” trong công tác nghiệp vụ, thuyết minh cho 10 hướng dẫn viên người Cơ Tu, tập huấn cho bà con kỹ năng nấu nướng, dệt vải, trình diễn cồng chiêng, văn nghệ, đan lát, làm hàng lưu niệm, quà tặng...

Ông Bùi Nam Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - nhìn nhận, xây dựng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa là một hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng cũng như là mục tiêu để thực hiện thành công giống như một số địa phương ở Việt Nam. Mô hình khá mới mẻ đối với người dân lẫn chính quyền Hoà Vang, thế nên tất cả ý thức cần đòi hỏi sự vào cuộc tích cực không chỉ từ người dân mà còn ở cơ quan quản lý Nhà nước. “Đây mới chỉ bước “vạn sự khởi đầu nan”, nếu muốn duy trì mô hình bền vững thì cần phải đồng bộ hoá trong việc xây dựng hệ sinh thái du lịch cộng đồng, tạo nên điểm nhấn phong phú, an toàn, tạo sản phẩm đa dạng như mở rộng dệt may thổ cẩm, các hoạt động sinh hoạt nổi bật ở nhà Guol...” - ông Dũng bày tỏ.

Ngay từ khi có kế hoạch của UBND TP.Đà Nẵng về việc bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ Tu đến năm 2020, Hòa Vang đã tổ chức đưa đồng bào Cơ Tu đi tham quan, học tập các mô hình du lịch cộng đồng tại Đông Giang, Tây Giang và Hội An cũng như phối hợp với Ban điều hành dự án GEF đưa các hộ đi tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại Tây Bắc... để có thể học hỏi, trao đổi và tích luỹ kinh nghiệm rồi áp dụng một cách hiệu quả.

“Của dân, do dân, vì dân...”

Sau hơn 5 tháng xây dựng điểm lưu trú homestay và triển khai công tác tư vấn, đến nay mô hình du lịch cộng đồng thôn Tả Lang - Giàng Bí đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.

Với anh Đinh Văn Như - chủ homestay Alăng Như (xã Hòa Bắc), vốn là người đầu tiên tiên phong vay 500 triệu đồng để làm du lịch theo mô hình mới, đây là dự án thiết thực cải thiện đời sống cho đồng bào khi bà con đa phần sống bằng nghề chăn nuôi trồng rừng, cuộc sống vất vả, khó khăn. “Tôi mong rằng, sự thay đổi trong cách làm và bằng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” lẫn việc kinh doanh có lãi sẽ giúp người dân làm giàu từ chính mảnh đất quê hương cũng như góp phần bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên rừng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Cơ Tu…” - anh Như chia sẻ.

Ông Bùi Nam Dũng thì cho rằng, đồng bào dân tộc Cơ Tu cần phải tự nguyện tham gia một cách có trách nhiệm để cùng nhau tạo dựng nên lợi ích chung của cả cộng đồng: “Hy vọng điểm khởi đầu hôm nay là nguồn cảm hứng để bà con khởi động các dự án du lịch hộ gia đình, làm cho bức tranh du lịch Đà Nẵng trở nên nhiều màu sắc. Tôi tin rằng, cùng chủ trương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng phía Tây thành phố sẽ được thực hiện hoá trong thời gian không xa, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cho nông thôn Đà Nẵng”.

Cùng đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng khẳng định sẽ tham mưu cho lãnh đạo phát triển thêm các sản phẩm mô hình du lịch cộng đồng như mô hình du lịch cộng đồng Nam Ô, nghề cá ở Mân Thái...

Huyện Hoà Vang là một trong 8 đơn vị hành chính trực thuộc TP.Đà Nẵng với diện tích 72km2, trong đó, rộng nhất là xã Hoà Bắc, chiếm 1/3 diện tích và có khoảng 1.500 người dân tộc Cơ Tu sinh sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn