MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hương vị tình thân và loạt phim Việt nặng bi kịch. Ảnh: NSX.

Từ Hương vị tình thân, Hãy nói lời yêu: Đừng để phim Việt chỉ có tiêu cực!

ĐÔNG DU LDO | 31/07/2021 07:51

Nhìn lại một loạt phim Việt đang chiếu trên màn ảnh nhỏ như Hương vị tình thân, Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Cây táo nở hoa... người xem chỉ thấy những cơ cực, đau thương. Liệu rằng phim truyền hình đang quá lạm dụng khai thác nội dung này mà thiếu đi những miếng hài duyên?

Bật ti vi lên là thấy bi kịch gia đình

Có thể nói phim Việt thời gian qua đang có nhiều tiến bộ về khâu hình ảnh, kĩ thuật lẫn diễn xuất của dàn sao. Tuy nhiên, nội dung thật sự đang là vấn đề đáng quan tâm.

Bật ti vi lên, người xem chỉ thấy những bi kịch gia đình, những điều tiêu cực xoay quanh mâu thuẫn giữa các thành viên, các mối quan hệ chồng chéo nhau.

Trong đó, các bộ phim đang khiến không ít người xem chán nản và ức chế là: Hương vị tình thân, Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Cây táo nở hoa.

Xem "Cây táo nở hoa" ngoài việc nhân vật Ngọc do Thái Hòa đóng gặp hàng loạt biến cố thì các người em của anh, vợ anh cũng không ít lần rơi vào những khó khăn, khốn đốn.

Trong khi đó, "Hãy nói lời yêu" với sự tham gia diễn xuất của Quỳnh Kool cũng bị đánh giá là đang drama hóa tình tiết và làm nặng bầu không khí cho người xem. Đặc biệt, từ sau cái chết của nhân vật Minh, các nhân vật trong phim luôn trong trạng thái sầu não, khó chịu và mất tinh thần.

Thương con cá rô đồng có quá nhiều bi kịch dành cho nữ chính. Ảnh: NSX.

Ngoài ra, phim "Thương con cá rô đồng" đang được khán giả ví là "bộ phim bi kịch của năm" khi đẩy cuộc đời nhân vật chính Hai Thương (Lê Phương đóng) đi vào tận cùng khốn đốn.

Từ việc mất mẹ, nuôi các em bơ vơ, đến chuyện hết lần này đến lần khác bị dì Tư lừa gạt, đánh đập. Chưa hết, cô còn phải đành lòng nhìn người thương cưới em gái ruột của mình và sau đó phải đi đẻ thuê cho người khác.

Riêng bộ phim đang hot nhất hiện nay là "Hương vị tình thân" cũng bị khán giả đồng loạt lên tiếng yêu cầu nhà sản xuất ngừng bi kịch hóa cuộc đời nhân vật Nam (Phương Oanh).

Vai Nam của Phương Oanh đang bị đánh giá bị kịch hóa. Ảnh: NSX.

Dựa trên 4 phim này, có thể nhận thấy, phim Việt trong thời gian qua đang thiếu vắng đi những bộ phim có thông điệp tích cực, vui vẻ cho người xem.

Trước đó, những bộ phim như Nhà trọ Balanha, Chàng rể tuổi Hợi, Ngũ hợi tấn hỷ... gây sốt với những miếng hài duyên dáng nhưng nội dung lại thú vị và không bị làm "lố" vấn đề. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thì các phim thể loại này dường như đang mất hút.

Phải nói rằng, trong thời điểm mọi người đều lo âu về dịch bệnh thì những bộ phim giải trí mang lại tinh thần phấn chấn rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoài đời vốn đã khốn khó, xem phim càng bi kịch thì càng khiến người xem chán nản, khó chịu.

Chính vì thế mới thấy, tác phẩm hiếm hoi ở thời dịch là "Mùa hoa tìm lại" làm tốt nội dung khi đan xen các tình tiết hài, nội dung về nông thôn, đồng quê và có cái kết đẹp, tích cực. Chính vì thế mà sau khi phim phát sóng nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả và dĩ nhiên, đây được xem là tác phẩm đánh trúng tâm lý người xem nhất thời điểm hiện tại.

Đừng thờ ơ với thông điệp tích cực và tiếng cười?

Một thực tế cho thấy, nếu ở phim chiếu rạp, các nhà sản xuất thường chọn những phim hài để tạo sức hút với khán giả. Tuy nhiên, ở lĩnh vực truyền hình thì xu hướng hiện nay là khai thác mâu thuẫn gia đình, chuyện tiểu tam, chuyện trắc trở trong tình yêu lứa đôi nhiều hơn.

Chính vì thế, đây được xem là nguyên nhân khiến phim Việt thời gian qua thiếu đi những thông điệp tích cực và những miếng hài duyên dáng.

Không thể phủ nhận, phim truyền hình đang ngày càng hấp dẫn người xem, đề tài gần gũi, cách xây dựng tâm lý nhân vật cũng có nhiều tiến bộ. Thậm chí, ở các phim truyền hình kể trên, nhà sản xuất cũng đan xen vào một vài nhân vật gây cười.

Nhưng việc đưa vào 1 vài nhân vật phụ, ít phân đoạn hài hước giữa một "rừng" chuyện drama, những bi kịch bị đẩy đến cao trào bị đánh giá là chưa đủ cân bằng so với mạch phim.

Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận chuyện không thể đem một nhân vật gây cười pha trò từ đầu đến cuối nhưng các nhà sản xuất cần chú trọng việc sắp đặt các tình tiết gây cười hợp lý để giảm đi sự căng thẳng khi xem phim của khán giả.

Và đừng thờ ơ với tiếng cười và thông điệp tích cực cho phim khi mà mang tiếng là những bộ phim để khán giả giải trí lại phơi bày những bĩ cực, khốn cùng trong gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn