MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TikToker Hứa Quốc Anh bị tẩy chay vì làm clip gây tranh cãi. Ảnh: CMH.

Từ vụ Hứa Quốc Anh làm video phản cảm đến giới hạn cho các TikToker

ĐÔNG DU LDO | 16/11/2023 16:37

Vài ngày qua, thông tin về TikToker Hứa Quốc Anh sản xuất video có nội dung phản cảm, gây tranh cãi dữ dội. Trước đó, không ít nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này cũng bất chấp câu view, trục lợi, tạo ra một trào lưu xấu, độc hại với công chúng. Đâu là giới hạn cho những người làm nội dung trên các nền tảng?

Liên tiếp các vụ vi phạm, phản cảm, gây tranh cãi

Thời gian qua, nhiều nhà sáng tạo nội dung TikTok vì muốn được chú ý đã liên tục khiến dư luận bức xúc về việc làm nội dung xấu, độc hại và quảng cáo tràn lan.

Chúng ta từng biết đến vụ việc Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm bay có thời hạn bằng đường hàng không đối với hành khách L.M.X.Y vì tạo dáng quay clip TikTok trên đường băng.

TikToker Nờ Ô Nô cũng bị TikTok khóa kênh vì vi phạm quy chuẩn cộng đồng khi anh này có những ngôn từ miệt thị người nghèo. Sau đó, anh này cũng bị Sở Thông tin Truyền thông TPHCM xử phạt 7,5 triệu đồng.

Vụ việc gây tranh cãi mới nhất là vụ TikToker Hứa Quốc Anh đăng video tham quan đền Angkor Wat (Campuchia) nhưng lồng ghép hình ảnh liên quan đến Thái Lan. Ngay sau vụ việc, kênh TikTok hơn 700.000 người theo dõi của người này đã bị cho "bốc hơi". 

Phạt nặng, xử lý nghiêm, tẩy chay

Những vụ việc của TikToker Hứa Quốc Anh, Nờ Ô Nô hay loạt nhà sáng tạo nội dung gây tranh cãi khác đều được các chuyên gia đánh giá là có chung mục đích muốn đánh bóng tên tuổi, tạo sự chú ý.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chuyên gia truyền thông Hoàng Văn - CEO công ty truyền thông Clover ở TPHCM cho biết: "Thông thường một TikToker có hơn 1 triệu lượt theo dõi có thể kiếm được hợp đồng quảng cáo từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực, thời gian và lợi nhuận họ mang lại cho nhãn hàng.

Ngoài ra, còn tùy vào hiệu quả của các màn PR sản phẩm mà họ có thể được trả thêm phần trăm hoa hồng".

Ông Văn nhấn mạnh, với tình hình như hiện tại, các tài khoản TikTok "mọc lên như nấm sau mưa" thì việc tìm kiếm, sáng tạo nội dung đôi khi bế tắc. Điều này khiến các TikToker bất chấp, sáng tạo nội dung tranh cãi để câu view nhằm đạt được lượng người xem khủng để trục lợi.

TikToker Nờ Ô Nô làm clip xúc phạm người nghèo. Ảnh: CMH.

Luật sư Hoàng Hà - Văn phòng luật L&P, TP Hồ Chí Minh cho biết, với các TikToker làm nội dung phản cảm, câu view, căn cứ vào Quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

"Ngoài ra, hành vi đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 hoặc Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017" - luật sư Hoàng Hà chia sẻ.

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Lý Tùng Hiếu bày tỏ quan điểm: "Cơ quan chức năng, nhà quản lý văn hóa nên có sự rà soát, kiểm tra xử lí nghiêm với những TikToker làm nội dung phản cảm, câu view.

Ngoài ra, khán giả, người xem hoàn toàn có thể triệt tiêu những người tạo nội dung phản cảm thông qua việc tẩy chay triệt để, không coi, không theo dõi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn