MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây mía bên bàn thờ Tết của người Việt. Ảnh: Kim Sơn

Tục thờ hai cây mía ở bàn thờ gia tiên ngày Tết

KIM SƠN LDO | 09/02/2024 15:14

Vào dịp Tết Nguyên đán, phong tục cổ truyền của người Việt là thờ hai cây mía dựng hai bên bàn thờ gia tiên. Mỗi sản vật được người Việt chọn để dâng lên bàn thờ gia tiên đều hàm chứa trong đó nhiều ý nghĩa khác nhau và việc thờ phụng cây mía cũng như vậy.

Một truyền thống tốt đẹp, tôn thờ ông bà, tổ tiên

Ngày nay, phong tục thờ hai cây mía không còn phổ biến nữa. Nhưng trước đây, các gia đình người Việt thường chọn hai cây mía thật to để dựng hai bên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết cổ truyền, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương và ngũ hành.

Cây mía được chọn phải thẳng, thân không bị sâu đục và phải có đầy đủ phần ngọn với lá tươi không bị quăn. Cây mía có thân màu đỏ tía, khúc đều, có các mắt đang nhú mầm được xem là tốt nhất. Theo tín ngưỡng cổ truyền của người Việt thì 2 cây mía đó thường được gọi là “gậy Ông Vải”, hay phổ biến hơn là “Gậy của ông bà tổ tiên”, để ông bà chống gậy tìm về với con cháu, cùng chung vui những ngày tết. Cuốn sách nổi tiếng “Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết, lễ, hội hè” của Toan Ánh được xuất bản bởi NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi hóa vàng, các cụ sẽ dùng hai cây mía này để “gánh” vàng về cõi âm.

Nhiều người thì quan niệm, cây mía tượng trưng cho cái thang kết nối thế giới trần tục và thế giới tâm linh vì có từng đốt giống như từng bậc thang, giúp vong linh ông bà, tổ tiên về trần gian ăn Tết cùng con cháu. Dù cho cách giải thích nào đi chăng nữa cũng thể hiện sự thành tâm, hướng về nguồn cội, lòng biết ơn tiên tổ và hướng tới sự tốt đẹp, tượng trưng cho sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm - dương.

Khi chọn cây mía làm sản vật thờ cúng, cha ông ta còn gửi vào đó những ước mong gắn liền với đặc trưng vốn có của cây mía. Mía là loại cây tượng trưng cho sự ngọt ngào, may mắn trong năm mới nên được các gia đình lựa chọn để bày lên bàn thờ ngày Tết, cầu mong một năm mới nhiều điều tốt lành, bình an.

Gắn bó chặt chẽ với Phật giáo

Theo chuyên gia văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong truyền thống của Phật giáo Ấn Độ, tổ tiên của Đức Phật Thích ca được cho là thuộc dòng họ Mía. Chuyện này được chép lại trong nhiều kinh sách như: “Thập nhị du”, “Đại nhật kinh sớ” quyển thứ 16, “Phật bản hạnh tập” quyển 5… Chính vì nguồn gốc này, ở Việt Nam, khi vãn cảnh chùa, tức là đến với chốn Phật, phải trèo dốc cao, người ta thường bán mía làm gậy với ý nghĩa hồi hướng về cõi Phật tổ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết thêm, trong đời sống thực sinh, nhiều gốc tích của hành vi sẽ dần dần bị lãng quên, chỉ có tập tục là lưu giữ lâu bền như một quán tính văn hóa. Rồi dân gian, đến lượt nó lại sáng tạo ra nhiều truyền thuyết, giai thoại để giải thích lại, tạo ra tâm thức cộng đồng phong phú, thú vị. Điều này tồn tại như một phong cách sáng tạo của nghệ thuật ngôn từ dân gian. Tuy nhiên, cảm hứng hướng đến nguồn cội thì vẫn đậm đà, đặc biệt khi Tết đến, người ta ngẫm nghĩ về quá khứ, thực hành trong hiện tại và kì vọng về tương lai.

Theo phong tục cổ truyền, sách “Tết Việt Nam” của Kiêm Thêm thuật lại về ngày hạ hai cây mía: sau khi đốt vàng và tưới rượu thì người ta đem 2 cây mía đã mua trong năm và để thờ trong ba ngày tết ra hơ trên những đống tàn vàng còn đang đỏ ối. Hiện nay, tùy từng khu vực mà cây mía sẽ được hạ xuống khỏi khu vực bàn thờ gia tiên ngày 4.1 âm lịch hoặc sau ngày khai hạ (ngày 7.1 âm lịch).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn