MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghi lễ tế Đức Thánh Trần, tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tại lễ khai hội Đền A Sào (Thái Bình) năm 2024. Ảnh: Trung Du

Tưng bừng khai hội tại đền cổ thờ Trần Hưng Đạo và voi chiến ở Thái Bình

TRUNG DU LDO | 19/03/2024 12:21

Thái Bình - Sáng nay, 19.3 (tức ngày 10 tháng 2 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình - Đền - Bến Tượng A Sào (xã An Thái), UBND huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đền A Sào năm 2024.

Hàng nghìn người dân, du khách tham dự lễ khai hội dù thời tiết không ủng hộ

Theo ghi nhận của PV Lao Động, mặc dù trời mưa rét nhưng từ sáng sớm cùng ngày 19.3, đông đảo nhân dân địa phương, du khách từ nhiều nơi đã về tham dự lễ khai hội truyền thống Đền A Sào 2024.

Cũng do thời tiết không ủng hộ, lễ rước bộ truyền thống từ 5 thôn trong xã An Thái đến khu di tích đã không thể diễn ra như dự kiến.

Hàng nghìn người dân, du khách đội mưa về dự lễ khai hội. Ảnh: Trung Du
Các vị đại biểu dự lễ khai hội. Ảnh: Trung Du

Theo tương truyền, A Sào thời Trần thuộc Hương A Cảo là Thái Ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu (phụ thân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) - người đã được nhân dân trong vùng phụng thờ là bậc khai ấp Tiên Công.

Quang cảnh nơi đây xưa kia tuyệt đẹp được xếp vào hạng tứ cố cảnh thời Lý - Trần "Đào Động - Lộng Khê - Tô Đê - A Sào". Có nhiều ý kiến cho rằng Trần Hưng Đạo đã sinh ra trên mảnh đất này và thuở thiếu thời ngài đã sinh sống ở đây.

Màn trống khai hội Lễ hội truyền thống Đền A Sào 2024. Ảnh: Trung Du

Năm 18 tuổi, khi được phong tước Thượng vị Hầu, Hưng Đạo Vương đã triển khai lập đồn binh, tuyển mộ quân sỹ, tích lũy binh lương tại A Cảo để phục vụ cho các cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược.

Các dấu tích còn lưu lại đó là Gò Đóng Yên, Hồ Tắm Tượng, Mễ Thương (kho gạo), Am Qua (kho gươm)...

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 (năm 1288), Trần Hưng Đạo cưỡi voi xuất quân đi đánh trận Bạch Đằng. Khi qua sông Hóa ở Bến Lở, voi chiến của ngài bị sa lầy. Biết không thể cứu được, voi chiến ứa nước mắt nhìn chủ tướng. Tiếc thương con voi có nghĩa, Hưng Đạo Vương đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: "Nếu trận này không thắng giặt Thát, ta thề không về bến sông này".

Tượng voi chiến của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại khu vực sân đền chính. Ảnh: Trung Du

Chiến thắng trận Bạch Đằng đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 và đã đập tan được tham vọng, ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế Nguyên - Mông, một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới bấy giờ.

Sau chiến thắng lẫy lừng, tại Bến Lở, nhân dân trong vùng đã đắp tượng voi để thờ, từ đó Bến Lở có tên là Bến Tượng. Năm 1928, nhân dân đã tạc tượng voi bằng đá thay thế để thờ tại bến sông.

Lễ hội mang đậm các giá trị lịch sử, văn hóa

Đức Thánh Trần Hưng Đạo không chỉ là vị tướng thiên tài về quân sự mà còn là một tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa, biết gạt bỏ hiềm khích riêng tư để đoàn kết tôn thất, triều đình, tướng lĩnh tạo nên cội nguồn của thắng lợi, đồng thời đã để lại nhiều tác phẩm về quân sự có giá trị cho muôn đời.

Trang nghiêm nghi lễ tế Đức Thánh Trần tại lễ khai hội. Ảnh: Trung Du

Chính vì công lao đó vua Trần đã cho dựng sinh từ để thờ ngài từ khi còn sống: Đệ Nhất tại Kiếp Bạc, Đệ nhị tại A Sào (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Với những giá trị lịch sử sâu sắc, nhân văn, Khu di tích lịch sử văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quy hoạch tổng thể trên diện tích 31,7ha.

Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, quần thể khu di tích đã đầu tư các hạng mục công trình: Khu vực đền chính, sân đền, bãi đỗ xe, sân lễ hội, cụm Bến Tượng.

Theo truyền thống, xuân thu nhị kỳ hằng năm, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần.

Lễ hội Đền A Sào có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục sâu sắc, nhắc thế hệ sau nhớ đến công lao các bậc tiền nhân và gắn kết cộng đồng với các trò chơi, diễn xướng dân gian độc đáo, đặc sắc và mang đặc trưng của quê lúa Thái Bình.

Với giá trị đó, lễ hội truyền thống Đền A Sào đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015.

Lễ hội năm nay diễn ra từ 19 - 21.3 (tức 10 - 12.2 Âm lịch) với nhiều nội dung đặc sắc, độc đáo cả phần lễ và phần hội như: Lễ cáo yết, dâng hương tế Thánh, hát văn hầu đồng, thi giã bánh giày, kéo co…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn