MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyên đọc văn tế nghĩa quân Tây Sơn và các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Phạm Đông

Tưởng niệm 235 năm ngày giỗ trận của nghĩa quân Tây Sơn

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/02/2024 11:49

Lễ tưởng niệm 235 năm ngày giỗ trận của nghĩa quân Tây Sơn tại chùa Kim Sơn (quận Ba Đình, TP Hà Nội) được tổ chức trang trọng với nghi lễ thiêng liêng theo phong tục lâu đời như cầu siêu cho các anh hùng nghĩa quân, lễ rước kiệu...

Nhân kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, sáng 14.2 (mùng 5 Tết Nguyên đán), quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 235 năm ngày giỗ trận của nghĩa quân Tây Sơn tại chùa Kim Sơn.

Chùa Kim Sơn ngày xưa thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía Tây thành Thăng Long, vùng này từng là bãi chiến trường trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử năm 1789, hàng ngàn liệt sĩ Tây Sơn được an táng tại đây.

Ngày nay, chùa Kim Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc thời Tự Đức và cuối thời Nguyễn. Tam quan trước chùa rộng tới 50m có 5 cửa nên còn gọi là giải ngũ môn. Trong ngũ môn có treo 1 quả chuông đồng khá lớn và đặt 1 pho tượng Phật. Mặt trước và sau ngũ môn đều có câu đối viết chữ Quốc ngữ...

Lễ rước kiệu Đức thánh Phùng Hưng từ đình Kim Mã sang chùa Kim Sơn. Ảnh: Phạm Đông

Năm nay, lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng với nghi lễ thiêng liêng theo phong tục lâu đời như cầu siêu cho các anh hùng nghĩa quân Tây Sơn, lễ rước kiệu Đức thánh Phùng Hưng từ đình Kim Mã sang chùa Kim Sơn, lễ tế Nam quan, Nữ dâng hương bái yết, nghi thức dâng hương…

Cách đây 235 năm, ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào Kinh thành Thăng Long trong niềm hân hoan của nhân dân, kinh thành sạch bóng quân thù.

Màn trống hội tại buổi lễ tưởng niệm 235 năm ngày giỗ trận của nghĩa quân Tây Sơn. Ảnh: Phạm Đông

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước của người dân đất Việt, ghi dấu nghệ thuật quân sự tuyệt vời, thiên tài quân sự Hoàng đế Quang Trung.

Bằng thắng lợi này, nhân dân ta đã đập tan mộng xâm lăng của ngoại bang, giữ vững nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Theo “Thăng Long cổ tích khảo”, chùa Kim Sơn ở thôn Kim Mã, huyện Vĩnh Thuận, nay là phường Kim Mã (quận Ba Đình). Triều Lý sau khi định đô ở Thăng Long, Kim Mã là chỗ pháp trường, người trong thôn dựng am nhỏ để thờ muôn linh. Sau này, thi hài nghĩa quân Tây Sơn tử trận tại Đống Đa (năm 1789) trong kháng chiến chống quân Thanh được đưa vào tử táng tại đây.

Năm Tân Tỵ niên hiệu Tự Đức (1881), am bị đổ do bão, người trong thôn dựng lại bằng gạch ngói, tô tượng Phật, đặt linh vị để thờ và gọi là chùa Tàu Ngựa (Tàu Mã). Năm 1898, chùa trùng tu, đổi tên là Kim Sơn. Năm 1932 xây lại chùa, dựng tòa Tam bảo, đền thờ Mẫu và đàn Vạn Linh thờ các tử sĩ nhằm nhắc nhở cháu con ghi nhớ.

Lãnh đạo quận Ba Đình dâng hương tưởng niệm 235 năm ngày giỗ trận của nghĩa quân Tây Sơn. Ảnh: Phạm Đông
Nhân dân, du khách dâng hương tưởng niệm nghĩa quân Tây Sơn. Ảnh: Phạm Đông

Phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, ngàn năm văn hiến của dân tộc, ngày 5 tháng Giêng hằng năm, tại di tích lịch sử chùa Kim Sơn, địa phương đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng của nghĩa quân Tây Sơn đã anh dũng hi sinh đánh đuổi giặc Thanh vì độc lập dân tộc.

Đồng thời tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ là những người con của quê hương Kim Mã đã anh dũng hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn