MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi nhà cổ 200 năm bị dỡ bỏ vì bức xúc của người dân (Ảnh: N.T)

Vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm: Phớt lờ chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao TP Hà Nội?

Đ.V LDO | 19/04/2018 17:28

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Trương Minh Tiến ký công văn ngày 9.4.2018, gửi UBND TX Sơn Tây về việc xử lý phản ánh của báo chí liên quan đến di tích Làng cổ Đường Lâm.

Theo đó, báo chí liên tục phản ánh câu chuyện bảo tồn ở làng cổ Đường Lâm vẫn "giậm chân tại chỗ", nhiều ngôi nhà cổ mòn mỏi chờ bảo tồn, rồi chuyện một gia đình bức xúc phá dỡ ngôi nhà cổ hàng trăm năm nằm trong danh mục cần được bảo vệ khiến dư luận xôn xao...

Qua công văn trên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Di tích làng cổ Đường Lâm đã xếp hạng cấp quốc gia tại quyết định số 77/2005/QĐ-BVHTT ngày 28.11.2005 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện do UNBD thị xã Sơn Tây quản lý trực tiếp theo phân cấp của thành phố. 

"Việc bảo tồn ở làng cổ Đường Lâm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 17/SHV&TT-QLDT ngày 3.1.2018 chuyển nội dung phản ánh trên báo Lao Động ngày 9.12.2017 về di tích làng cổ Đường Lâm. Tuy nhiên, đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của UBND thị xã Sơn Tây về các nội dung trên" - công văn nêu rõ. 

Như vậy, sau nhiều tháng báo chí phản ánh và Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội yêu cầu giải quyết, xử lý nội dung báo chí phản ánh về những bất cập ở di tích làng cổ Đường Lâm, nhưng cơ quan chức năng TX Sơn Tây vẫn không giải quyết? 

Cũng tại công văn này, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục đề nghị UBND TX Sơn Tây chỉ đạo các phòng ban chức năng sớm kiểm tra, đề xuất phương án cũng như dự kiến lộ trình, kế hoạch giải quyết và trả lời báo chí theo thẩm quyền, chuyển kết quả giải quyết về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định. 

Trước đó, ngày 9.12.2017, báo Lao Động đăng tải bài viết "Cắn răng phá nhà cổ Đường Lâm" phản ánh tình trạng nhiều bất cập gây bức xúc trong bà con là chủ nhân của các “di sản văn hóa” quý giá ở Đường Lâm.

Cụ thể như bà Kiều Thị Thảo (Đông Sàng- Đường Lâm) phá dỡ ngôi nhà cổ gần 200 năm của mình nhằm phản đối cách đối xử bất công, vô trách nhiệm của cán bộ địa phương với gia đình bà trong nhiều năm qua; câu chuyện trùng tu di sản nửa vời, tốn kém hàng tỉ đồng của Nhà nước nhưng sau trùng tu lại vấp phải sự phản đối, bức xúc của người dân vì trùng tu cẩu thả, khiến di sản xuống cấp hơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn