MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn hoá ứng xử từ vụ nhân viên viết lời chửi thề khách lên hoá đơn

HỮU CHÁNH LDO | 18/05/2023 07:48

Theo chuyên gia, văn hoá ứng xử ở Việt Nam còn mang tính truyền thống của một xã hội nông nghiệp, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đi đến một nền kinh tế thị trường văn minh.

Viết lời chửi thề khách lên hoá đơn

Ngày 16.5, trên mạng xã hội lan truyền bài viết chia sẻ trải nghiệm tệ hại của một vị khách tại quán cà phê nằm ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM.

Chị H.L. cho biết, ngày thứ 7 (ngày 13.5), cô và 3 người bạn tới quán. Hai người bạn của chị H.L. bị đau bụng nên không muốn gọi đồ uống. Một người bạn khác hỏi nhân viên có đồ uống không đường hay không.

Chị H.L. thừa nhận nhóm gọi nước khá chậm nhưng chưa quá 5 phút và tại thời điểm này cũng không có khách hàng khác xếp hàng gọi đồ.

Tờ hóa đơn có lời chửi thề do vị khách chia sẻ.  

Tuy nhiên, sau khi nhận hóa đơn, chị L. tá hỏa khi đọc được dòng ghi chú có kèm từ chửi thề, có ý trách nhóm gọi nước lâu.

"Tụi mình hỏi thì bạn nhân viên xin lỗi với lý do tâm trạng không được tốt" - chị L. chia sẻ trong bài viết.

Sau đó, nhóm khách chủ động liên hệ với quản lý và được người này giải thích đây không phải là lần đầu tiên bạn nhân viên bị phàn nàn.

Tuy nhiên, do vẫn còn tức giận, nhóm của chị L. yêu cầu người quản lý xử lý vụ việc ngay.

"Tất cả mọi thứ của quán không tệ chút nào, trừ thái độ phục vụ của nhân viên không chấp nhận được. Mình nói ra để những bạn khác khi tới đây không phải trải nghiệm tình trạng tương tự" - chị L. chia sẻ trong bài viết.

Bài đăng này thu hút hàng nghìn lượt bình luận, tương tác trên mạng xã hội. Theo tìm hiểu, quán cà phê được đề cập trong bài viết là một địa chỉ check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ TPHCM. 

Văn hoá của xã hội nông nghiệp

Theo dõi câu chuyện đang lan truyền trên mạng xã hội, ông Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, văn hoá ứng xử của Việt Nam nếu nói rộng ra là chưa được kiến tạo, bồi dưỡng, giáo dục và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đi đến một nền kinh tế thị trường văn minh.

“Văn hoá ứng xử mang tính truyền thống của một xã hội nông nghiệp, do đó khi đi vào kinh tế thị trường, khách hàng cũng chưa tạo cho mình một phẩm chất để làm thượng đế, còn người phục vụ cũng chưa tạo cho mình được phẩm chất của người chủ để tạo ra thương hiệu cho mình” - ông Đức nói với Lao Động.

Trở lại với câu chuyện trên, ông Đức cho rằng, sự cố xuất phát đến từ cả 2 phía, trước tiên là ở nhân viên phục vụ.

“Nhân viên phục vụ thấy khách hàng gọi 2 cốc nước thì nghĩ người ta bủn xỉn hoặc tiết kiệm và tỏ thái độ ra mặt bằng cách viết lời chửi thề khách lên hoá đơn. Đây là hành vi ứng xử không đúng mực. Ngay cả trường hợp họ gọi đồ uống ít tiền chẳng hạn thì cũng phải tôn trọng người ta, vì khách hàng là thượng đế” - ông Đức nói.

Theo ông Đức, trong kinh doanh hiện đại, thái độ của người phục vụ với khách hàng mới làm nên giá trị của thương hiệu, kể cả trong kinh doanh sản xuất hàng hoá.

"Chẳng hạn 4 khách hàng chỉ gọi 2 cốc nước, nhà hàng vẫn vui vẻ đón nhận, khách hàng từ đó sẽ cảm thấy thoải mái, đó là điều làm nên thương hiệu" - ông Đức nói.

Còn đối với người khách, cũng không thể nghĩ mình là khách hàng, mình là thượng đế mà muốn làm gì cũng được hoặc có hành động làm câu chuyện trở nên căng thẳng hơn.

“Trong khi nhân viên đã xin lỗi và quản lý cửa hàng cũng đã giải thích thì nên thông cảm với nhau. Còn nếu đã là một thượng đế chân chính thì có thể góp ý, phê bình để quán tiếp thu và phục vụ tốt hơn" - ông Đức nói.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia, 2 bên nên có một cách giải quyết nhẹ nhàng hơn thay vì quy trách nhiệm về một phía.

"Sự việc đã xảy ra, người sai thì cũng đã nhận lỗi về mình, không nên đấu tố nhau làm gì gây thêm phiền hà, bực tức làm ảnh hưởng đến cả hai" - ông Đức nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn