MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn hóa văn nghệ thế giới: “Cơn bão” thực tế ảo định hình lại cách học nhạc

LAN PHƯƠNG (Theo Economist) LDO | 18/04/2017 15:00
YouTube, sách nhạc điện tử và ứng dụng đã trở nên phổ biến từ lâu; nhưng chính công nghệ thực tế ảo mới đang tái định hình cách con người học âm nhạc.

Một trong những thử thách lớn nhất đối với các phương pháp học âm nhạc truyền thống đó là tính quan trọng của tập luyện. Để có thể đạt được sự nhuần nhuyễn như mong muốn, học sinh thường phải tập đi tập lại các câu nhạc, hợp âm khác nhau… - một quá trình nhàm chán đối với nhiều người. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc luyện tập cá nhân thường không hiệu quả bởi vì người học có được những nhận xét, đánh giá và thường mất đi hứng thú, động cơ học tập.

Học nhạc đang ngày trở nên dễ dàng và thân thiện hơn thông qua công nghệ hiện đại.

Ảnh: Nguồn Internet. 

Năm 2013, các nhà nghiên cứu của Đại học Auckland đã quyết tâm phát triển một trải nghiệm AR (augmented-reality) - “tăng cường thực tế ảo” - cho phép con người quan sát thế giới thật thông qua một thiết bị điện tử, và được cung cấp thêm thông tin liên quan đến những gì đang được quan sát), để tăng cường tính hấp dẫn của việc học nhạc. Sử dụng thiết bị kính đeo AR và một bàn phím kết nối máy vi tính, chương trình tạo cảm hứng từ những trò chơi - tiết tấu âm nhạc, các video karaoke với phần lời và nhạc được ghép với nhau thông qua các cử chỉ của người sử dụng... Các nốt nhạc lần lượt hiện ra khi bản nhạc được bật lên. Nếu cài đặt chế độ “Học nốt nhạc”, từng nốt sẽ dừng lại cho đến khi người dùng ghi nhớ, và bấm phím để chuyển sang nốt khác.

Không phải tất cả mọi người đều hài lòng với hệ thống trên; nhưng ai cũng phải công nhận rằng, với những tính năng tương tự trò chơi, cho phép người dùng có thể “tranh tài cao thấp” với nhau, thiết bị này có thể tạo hứng thú rất lớn cho người mới bắt đầu học nhạc.


Tháng 5.2016, Samanta Shi và Sean Kelly - hai sinh viên của Đại học New York đã nhận được nhiều lời khen với chương trình học âm nhạc có tên Teach-U: VR (VR: thực tế ảo). Bao gồm thiết bị Google Cardboard VR và cảm ứng hồng ngoại, chương trình này cho phép người dùng có thể “chơi” các nhạc cụ ảo. Giáo viên và bạn cùng lớp có thể cùng tham gia vào không gian ảo này nhờ Wi-Fi. Mặc dù còn ở giai đoạn khá “thô sơ”, nhưng theo Shi, Teach-U: VR sẽ giúp giảm đáng kể chi phí và khiến việc học nhạc có tính tương tác cao hơn.

Hầu hết các hệ thống sử dụng VR và AR như trên hiện còn chưa được tung ra thị trường; tuy nhiên, người học vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác. Các công cụ như YouTube, sách - bản nhạc và thẻ học điện tử… đang ngày trở nên quen thuộc trong giáo dục âm nhạc. Các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng cho phép người học có thể hình dung được tên nốt, thang âm… giống hệt như trên đàn piano hay guitar, nhưng lại thuận tiện và hấp dẫn hơn nhiều.

Nghệ sĩ kèn trumpet Christian Scott Atunde Adjuah và ứng dụng chơi nhạc 
Stretch Music.

Với ứng dụng điện thoại Stretch Music, nghệ sĩ kèn trumpet nổi tiếng tại New Orleans Christian Scott Atunde Adjuah đã giúp người học có thể “biểu diễn” theo cùng bản nhạc đang được mở trên máy. Adjuah hiện cũng đang phát triển thêm một ứng dụng VR cho phép người dùng có thể chơi nhạc cùng anh trên sân khấu và nhận được những phản ứng của chính Adjuah trước những gì họ vừa thể hiện trong thực tế.

Marty Schwartz, một nghệ sĩ guitar - tác giả của hơn 1.500 video dạy nhạc trực tuyến cùng các “track” cho phép người học có thể tải về và tự chơi theo, cho biết: “Học qua Internet là cách tốt nhất cho người học không chuyên, và họ cũng chính là đối tượng mà tôi hướng tới. Tôi đã từng giúp nhiều người học không chuyên thi đỗ vào các trường âm nhạc”.

Teach-U: VR sử dụng công nghệ VR để tạo ra các lớp học nhạc ảo, giúp giảm chi phí và tăng cường tính hấp dẫn cho các bài học.

Các nhà xuất bản (NXB) âm nhạc lớn cũng đang có nhiều bước chuyển để thích ứng với sự thay đổi này. NXB Hal Leonard bắt đầu phân phối thẻ download bản nhạc, các “track” đệm và video YouTube… Những công cụ này giúp âm nhạc có thể được chia sẻ dễ dàng hơn, và có tính thích ứng cao hơn cho những người mới bắt đầu học. “Ngày nay, học viên có thể thông qua YouTube để hỏi các ban nhạc hoặc nhạc sĩ về nhạc phổ mà họ vừa mới nghe xong”, Jeff Schoredl - Phó Giám đốc điều hành của Hal Leonard cho biết, “Hợp âm C vẫn là hợp âm C, nhưng cách truyền đạt thì đang thay đổi với tốc độ chóng mặt”.

Chắc chắn, một số khía cạnh của giáo dục âm nhạc truyền thống đang vẫn còn tồn tại, bất chấp sự phát triển của công nghệ. Theo Schroedl, năm 2016, các sách nhạc bao gồm các ca khúc Pop và Jazz có số lượng tiêu thụ tăng mạnh. “Các bộ phim “Hamilton”, “Frozen”, “Titanic”, “La La Land”… khiến mọi người “phát điên”. Người viết ca khúc chính là yếu tố quan trọng nhất”, Schroedl nói. Tuy nhiên, đối với những người mới học, bản nhạc không thực sự là điều cần thiết. Các phương pháp tiếp cận thông qua công nghệ đang trở nên ngày một phổ biến: mỗi ngày vô số video chơi nhạc, dạy nhạc, thậm chí hướng dẫn kỹ năng biểu diễn… miễn phí xuất hiện trên Internet - đủ để “bỏ qua” bất kỳ tài liệu truyền thống nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn