MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Trọng Dư bị vi phạm bản quyền trên áo dài. Ảnh: NVCC

Vấn nạn chép tranh lên áo dài: Cần xử lý nghiêm như làm hàng giả!

Minh Thi LDO | 29/06/2019 07:14

Vì sao phí bản quyền tranh in áo dài không cao nhưng các đơn vị vi phạm vẫn cố tình né tránh liên hệ và trách nhiệm với họa sĩ? Và phải khi có luật sư vào cuộc mới chịu thừa nhận mình đã vi phạm bản quyền? Phải chăng vì thói quen “xài chùa” đã ăn sâu trong nhận thức, hay bởi những vụ việc nghiêm trọng như “phục chế tranh thật thành… tranh giả” còn chưa bị xử lý nên coi thường, không sợ viễn cảnh phải kéo nhau ra hầu tòa?

Xin lỗi rồi có… phạm lỗi?

Trên truyền thông, họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh chia sẻ: “Mỗi tác phẩm của họa sĩ được vẽ ra đều phải đặt hết tâm huyết sức lực vào đó, vậy mà bị nghiễm nhiên chiếm đoạt, càng lúc càng công khai, trắng trợn. Từ chép tranh bán, chép tranh vào tường trang trí và bây giờ là in lên áo, không biết người ta còn làm trò gì với các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nữa đây? Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp ở đâu?”.

Có một điều đáng nói là một số đơn vị lên tiếng xin lỗi các họa sĩ, thậm chí ký hợp đồng bồi thường và hợp tác rồi sau đó, nếu không ai phát hiện ra thì lại vẫn tiếp tục vi phạm. Bởi lẽ, nhìn từ gốc, có không ít phòng tranh, đơn vị in áo dài chép qua chép về… các mẫu mã trên trang web của nhau, thậm chí còn không biết tranh gốc là của tác giả nào.

Theo các luật sư, cho dù các công ty, xưởng in vi phạm tự động rút hết các hình ảnh vi phạm khỏi website đi chăng nữa thì với tất cả những bằng chứng mà các họa sĩ lưu lại được, đủ căn cứ tố cáo hành vi vi phạm bản quyền. Thế nên, chính các họa sĩ phải quyết tâm phản đối vi phạm bản quyền tới cùng.

Khi được hỏi về việc xử lý vụ tranh vẽ bị đưa lên áo dài một cách tùy tiện, họa sĩ Hứa Thanh Bình - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - nhìn nhận: Nên hỏi Cục Mỹ thuật có những quy định chép tranh ra sao là vi phạm và có văn bản xử lý thế nào thì đôi bên mới có thể nói chuyện được, còn nếu không có thì rất khó. Giống như câu chuyện ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trước đây, người ta từng đưa tranh giả vào rồi không ai xử được, phải cho qua vì… không có văn bản cụ thể, cũng như chưa có khung pháp lý.

Xử lý chép tranh như làm hàng giả

Theo nhà phê bình Văn Bảy, khi môi trường nghệ thuật còn quá vắng lòng tự trọng thì khó có thể hạn chế nạn chép tranh công khai.

“Thật ra, mua bản quyền khai thác tranh chẳng đáng mấy đồng nhưng những đơn vị làm áo dài đó không muốn và không thích làm thôi. Hiện tại, Bộ luật Hình sự chưa thể hiện được sự công bằng, khi lấy cắp chiếc xe máy là phạt tù nhưng khi bức tranh trị giá 1-2.000 USD bị nhái, bị “ăn cắp”, sao chép thì buông lơi, cũng chẳng ai nhọc công mang vụ việc ra xử rốt ráo cả”. Và nhà phê bình phân tích: Trong chuyện này, chia làm 2 nhóm dân. Đầu tiên là không biết về bản quyền (nhóm này khá đông), nhận thức đơn giản rằng sao chép là chuyện thường. Nhóm thứ hai biết về bản quyền nhưng vẫn lợi dụng kẽ hở pháp luật để kiếm lời.

Nếu so sánh với vụ sách in lậu thì trước đây, có hơn 90% cơ sở vi phạm và nay đã có hơn 60% cơ sở làm đúng luật. Nhìn chung, nhà nước phải có chế tài minh bạch và có các xử lý công bằng thì dân mới tin theo. Cùng một trình độ dân trí nhưng người ta có ứng xử khác nhau, còn tùy theo môi trường sống. Như người Việt qua Singapore là tự nhiên tuân theo điều luật bảo vệ môi trường, không xả rác (vì sợ bị phạt), nhưng ở Việt Nam hay đi Campuchia thì lại xả rác tùm lum.

Còn so với vụ Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM làm hư tranh bảo vật mà vẫn cứ im re, chưa thấy ai xử lý thì vụ tranh in áo dài không đáng là bao. Chúng ta nên đặt câu hỏi: Tại sao người in tranh lậu ra chợ không dám ăn cướp trái ớt mà tranh mỹ thuật thì ngang nhiên sao chép? Tất cả chỉ là chế tài, lâu rồi thành quen.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn