MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đoàn Thuý Phương - Tổng Giám đốc VietArt (áo xanh) là bị đơn trong vụ "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" với VCPMC. Ảnh: H.A

VCPMC uỷ quyền cho người đại diện tham gia vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

MINH PHONG LDO | 03/08/2023 14:45

Ông Nguyễn Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả ân nhạc Việt Nam (VCPMC) đã uỷ quyền cho 2 người đại diện tham dự phiên toà phúc thẩm của Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội liên quan đến vụ "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" với Công ty cổ phần truyền thông VietArt.

Ngày 3.8, Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" giữa nguyên đơn là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và bị đơn là Công ty cổ phần truyền thông VietArt.

Trước đó, VCPMC kiện VietArt ra toà vì không nộp tiền tác quyền cho chương trinh "Đêm Việt Nam 7: Chuyện của Mùa Đông". Trong chương trình này, VietArt sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc của các chủ sở hữu quyền tác giả đã uỷ quyền cho VCPMC quản lí, nhưng không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, đại diện pháp luật của VCPMC là ông Nguyễn Trung Cẩn - Tổng Giám đốc - không tham dự phiên toà phúc thẩm và uỷ quyền cho hai đại diện là bà Nguyễn Thị Thu Hảo và ông Đỗ Trần Duy Cường.

Phía bị đơn có sự tham dự của bà Đoàn Thuý Phương - Tổng Giám đốc VietArt và người đại diện theo uỷ quyền là bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - Phó Tổng Giám đốc, người bảo vệ quyền hợp pháp cho bị đơn là luật sư Trần Quốc Hùng.

Tại phiên toà phúc thẩm, luật sư của bị đơn đã có phần trình bày nội dung kháng về quyết định xét xử sơ thẩm ngày 23.8.2022. Đồng thời, phía nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện thủ tục hỏi và tranh luận tại phiên toà.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nêu quan điểm sẽ không hoà giải với VietArt, vì sự kiện đã diễn năm từ năm 2019, tức là cách đây gần 4 năm.

Trong khi đó, phía bị đơn là công ty VietArt đề nghị toà xem xét và sửa bản án sơ thẩm. Đơn vị này cũng đã bổ sung các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn kháng cáo trước đó.

Sau phần Nghị án, xét thấy các bên chưa nộp đầy đủ giấy tờ cũng như cần phải bổ sung thêm các chứng cứ, văn bản, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm.

Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 23.8.2022, Hội đồng xét xử ra quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Trung tâm bảo vệ quyền tác giải âm nhạc Việt Nam đối với bị đơn là Công ty cổ phần truyền thông VietArt;

Buộc VietArt đăng lời xin lỗi trên báo trung ương trong 03 số liên tiếp với nội dung "Công ty cổ phần truyền thông VietArt gửi lời xin lỗi đến các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả vì đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả khi sủ dụng tác phẩm để biểu diễn trong chương trình Đêm Việt Nam 7 tựa đề Chuyện của Mùa Đông tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 17.1.2019 nhưng đã không xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luận";

Buộc VietArt bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên do VCPMC đại diện với tổng số tiền 210.819.804 đồng (bao gồm bồi thường mức giảm sút thu nhập với tổng giá trị 205.769.804 đồng, chi phí lập vi bằng 2.650.000 đồng, chi phí mua vé vào chương trình để lập vi bằng 2.400.000 đồng);

Bác các yêu cầu khác của đương sự.

Theo đó, nhận thấy phán quyết của toà án cấp sơ thẩm xét xử không khách quan, công ty VietArt đã làm đơn kháng cáo, khẳng định VCPMC thể hiện sự độc quyền không lành mạnh, không xem xét đến lợi ích của các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn