MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khán giả đến xem “Tỏa 3” có nhiều bạn trẻ. Ảnh: VV

Vẻ đẹp đương đại trong một cuộc thể nghiệm

VIỆT VĂN LDO | 15/01/2020 14:55

Mang tiêu đề “Tỏa 3”, 50 tác phẩm của 9 nghệ sĩ trong nước và quốc tế mang đến một cái nhìn mới mẻ về cách tiếp cận và khai thác những vấn đề nóng của xã hội.

Triển lãm kéo dài đến gần 3 tháng (hết ngày 23.2.2020) tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Phá bỏ những tiêu chí thẩm mỹ truyền thống

Với nghệ thuật đương đại thì ý niệm, ý tưởng là quan trọng nhất, còn các yếu tố khác như chất liệu, thể loại không quá quan trọng. Và những tiêu chí thẩm mỹ thị giác truyền thống thường bị phá bỏ.

6 nghệ sĩ Việt Nam tham gia triển lãm là Quỳnh Lâm, Phan Anh, Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Văn Duy, Lương Trịnh trong khi 3 nghệ sĩ quốc tế là Tristan Jalleh (Australia), bộ đôi Caleb Stein - Andrea Orejarena (Anh, Colombia). 2 giám tuyển triển lãm là Tiến sĩ Mizuki Endo - Giám đốc nghệ thuật VCCA cùng nhà nghiên cứu - giám tuyển nghệ thuật độc lập Đỗ Tường Linh.

Một điểm đáng chú ý là khách đến triển lãm không tập trung quá đông nhưng gần như ngày nào cũng có khách đến thưởng lãm, đặc biệt là các bạn trẻ. Không áp đặt, không một chiều, quan điểm của 2 giám tuyển khi dựng triển lãm là tạo cho công chúng nhiều gợi mở và liên tưởng, phụ thuộc nhiều vào thị hiếu và “phông nền” (background) của cá nhân khi đứng trước tác phẩm.

Tác phẩm đầu tiên cũng là ấn tượng đầu tiên dẫn dắt khán giả chính là tác phẩm điêu khắc cỡ lớn, cao tới 5m của nghệ sĩ Nguyễn Đình Phương. Cùng với bức tượng là một video art của tác giả, mang tính trừu tượng về sự hữu hạn và vô hạn của con người.

Tác phẩm sắp đặt “Khởi nguồn của sắc màu” của tác giả Quỳnh Lâm trong một căn phòng với những đóa hoa đã héo tàn nằm la liệt dưới đất và những phác thảo vẽ hoa mờ ảo trên tường, không chỉ gợi ý về cái thực và ảo, mà còn về quy luật của tự nhiên, sự bắt đầu và kết thúc…

Một chuỗi tác phẩm với việc thử nghiệm nhiều chất liệu hữu cơ mang tên “Lò mổ” khá ấn tượng của Nguyễn Văn Đủ. Tôi đã từng xem nhiều tác phẩm về lò mổ đặc biệt là nhiếp ảnh và nhận ra sự tương đồng của nhiều ý tưởng về bản năng gốc, sự sống và cái chết của con vật mang tính ẩn dụ cho con người. Lần này Nguyễn Văn Đủ sử dụng tông màu trầm có lẽ để giảm bớt sự “ghê rợn” của lò mổ, dù vậy ấn tượng mà tác phẩm tạo ra không hề nhỏ.

Giám tuyển Đỗ Tường Linh khi bộc bạch với báo giới đã cho rằng: Đây là cuộc hội tụ phong phú và đầy màu sắc của những nghệ sĩ trẻ tài năng. Hy vọng mang đến cho các khán giả những trải nghiệm sâu sắc và tinh tế, không chỉ về thẩm mỹ mà cả những khám phá mới mẻ về vùng tưởng tượng của tâm thức.

Chiến tranh và mảnh vỡ thời gian

Kết hợp hội họa, nhiếp ảnh và sắp đặt, bộ đôi Caleb Stein - Andrea Orejarena (Anh, Colombia) đã đi tìm câu hỏi: Ký ức nếu là một căn phòng trống sẽ ra sao? Và 2 tác giả đã cố gắng khám phá ký ức về chiến tranh Việt Nam - Hoa Kỳ bằng cách thu thập những bức tranh, ảnh và video trong quá trình cộng tác cùng các cựu chiến binh Việt Nam và con cháu những người lính hiện ở làng trẻ Hữu Nghị. Thật khó nói về ký ức bằng lời mà chỉ có thể cảm nhận nó và 2 tác giả cũng không hy vọng tạo dựng một ký ức trọn vẹn mà chỉ mong thể hiện được tinh thần của nó.

Nhìn vào những tác phẩm ảnh, hay tranh vẽ sẽ thấy có những giây phút tưởng như chộp bắt, tình cờ hay chỉ là nét vẽ bâng quơ nhưng đây đó như những mảnh vỡ để khi ghép lại ta có một bức tranh hoàn chỉnh. Và nhiều câu hỏi sẽ được gợi lên về cái gì còn lại sau chiến tranh trong một không gian mở với nhiều cuộc đối thoại thị giác.

Những tiếng nói nhỏ bé khác từ nội tâm

“Đây là câu chuyện của tôi đấy” là tác phẩm vẽ bằng sơn acrylic trên tường, Nguyễn Văn Duy như những cuộc tự vấn trong lòng về đủ thứ chuyện, thế nhưng người xem cảm giác gần gũi với mình. Bởi trong cuộc đời, ai có lẽ cũng tự đặt những câu hỏi như vậy, để hiểu “tôi là ai?”.

Và chỉ có sự thành thật, không thiên kiến mới tìm ra câu trả lời đúng nhất.

Những tác phẩm điêu khắc của Lương Trịnh trên đá đen lại mang vẻ trầm mặc, tĩnh lặng như những công án về thiền. Trong khi tác phẩm sắp đặt “6m vuông từ năm 79” của tác giả Phan Anh được nhiều khán giả cho là câu chuyện về cội nguồn, về những nỗ lực mưu sinh trong cuộc sống khắc nghiệt.

Dù có những điểm chung hay khác biệt trong cảm nhận thì sự tâm huyết của các nghệ sĩ là điều dễ thấy. Vì nghệ thuật chỉ có thể đi vào lòng người khi nó xuất phát từ bản thể đích thực của nghệ sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn