MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết người Mông tại Sơn La vẫn lưu giữ rất nhiều tập tục từ lâu đời. Ảnh: Tuệ Linh

Về nơi kiêng tiêu tiền trong ngày Tết ở Sơn La

Chuyên Công LDO | 24/01/2023 18:10

Tết người Mông ở một số địa phương vùng cao Tây Bắc có những tập tục, tín ngưỡng đặc trưng và lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó phải kể đến tập tục kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau và cơm chan canh, cho dụng cụ lao động nghỉ ngơi...

Kiêng nhiều thứ...

Giống như Tết Nguyên đán của người Kinh và đa số các dân tộc ở Việt Nam, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông cũng là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ cùng về tề tựu, quây quần bên nhau; những người bạn, người hàng xóm cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất sau một năm làm việc vất vả.

Tuy nhiên, Tết cổ truyền của người Mông ở Sơn La có nhiều điểm khác biệt, trong dịp này, sẽ có những tập tục lâu đời, giống như các quy tắc ngầm trong tâm linh, không cần phải nhắc nhở, cứ đến dịp Tết là người Mông ở đây đều phải tuân theo.

Phóng viên có mặt tại bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nơi đây nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển để ghi nhận Tết cổ truyền của người Mông.

 Những người đàn ông người Mông giã bánh dày đón Tết cổ truyền. Ảnh: Tuệ Linh

Tại đây, đồng bào người Mông đang nhộn nhịp đón Tết sau một năm lao động vất vả, các gia đình chuẩn bị đồ lễ gồm thịt gà, cơm, canh và bánh dày, cúng mời tổ tiên, ma nhà, rồi cúng thần thổ địa và hồn vía các loại nông sản cùng những động vật nuôi trong nhà về ăn Tết.

Đến nhà ông Và Sái Di - một trong hộ gia đình đón Tết sớm nhất tại bản Co Mạ. Bằng sự thật thà, chất phác và mến khách, ông Di rót chén rượu ngô thơm nức và gắp miếng thịt gà đen săn chắc mời chúng tôi thưởng thức.

Ngồi trong mâm cơm, ông Di kể cho mọi người trong mâm nghe về những phong tục, nghi lễ tốt đẹp của người Mông: "Người Mông quan niệm, khi thức dậy sau tiếng gà gáy vào ngày đầu tiên của năm mới, cánh đàn ông người Mông bật dậy làm hết mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò...".

Bên cạnh đó, ông Di chỉ ra cho phóng viên những điểm khác nhất của Tết cổ truyền của người Mông so với Tết Nguyên đán, đó là tất cả mọi người sẽ kiêng tiêu tiền, kiêng ăn cơm chan canh, kiêng thổi vào lửa và kiêng ăn rau vào ngày mùng 1, 2 Tết.

 Các cô gái người Mông thêu, dệt thổ cẩm dịp Tết cổ truyền. Ảnh: Tuệ Linh

Theo anh Sùng Thiên Long - người dân sống tại bản Co Mạ, nếu thổi lửa, ăn cơm chan canh trong mâm cỗ ngày Tết, nhất là ngày mùng 1, mùng 2 Tết thì sang vụ sản xuất trong năm mới không gặp mưa thuận gió hoà.

"Vì vậy, đến nay, thế hệ trẻ chúng tôi luôn duy trì và phát huy những phong tục kiêng khem trong ngày Tết này theo hướng tiến bộ của xã hội.

Ngày Tết, chúng tôi cùng gửi những lời chúc mong muốn tất cả mọi người đều được mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi thứ thuận lợi" - anh Long chia sẻ. 

Cho công cụ lao động "nghỉ Tết"

Từ xưa đến nay, dân tộc Mông vốn thích sinh sống ở vùng núi cao, quen với việc canh tác nơi địa hình đồi núi cao hiểm trở. Vì vậy, các công cụ lao động tạo ra lương thực như cuốc, thuổng, dao, rìu… rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Mông.

 Một buổi giao lưu văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền của người Mông tại Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh

Vì vậy, mỗi khi Tết đến, người Mông trân trọng, trả ơn các công cụ lao động bằng cách rửa sạch, dán giấy niêm phong và dựng công cụ lao động ở nơi trang trọng nhất trong nhà (bên cạnh bàn thờ) để chúng được nghỉ ngơi, phục sức cho mùa vụ tiếp theo.

Theo ông Sùng Giống Mua – già làng bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châuvào 30 Tết, người đàn ông trong gia đình sẽ có trách nhiệm rửa sạch công cụ lao động. Sau đó, họ cắt mẩu giấy trắng (loại giấy người Mông tự làm) thành từng miếng hình chữ nhật có răng cưa ở một đầu, đầu còn lại không cắt sẽ được dán lên công cụ lao động.

Các công cụ lao động sau khi được niêm phong sẽ được "nghỉ ngơi" từ mùng 1 Tết đến hết mùng 3, 4, 5, tuỳ từng hộ gia đình quy định khác nhau. Từ mùng 5, 6, người Mông sẽ sử dụng các công cụ lao động đó để ra đồng, lên nương, bắt đầu sản xuất mùa vụ mới.

 Người Mông rất trân trọng các công cụ lao động. Ảnh: Tuệ Linh

Nói về ý nghĩa của việc cho công cụ lao động nghỉ ngơi trong dịp Tết, ông Mua cho biết: "Đối với người Mông, việc cho công cụ lao động nghỉ Tết có ý nghĩa tâm linh rất lớn.

Sau quá trình nghỉ ngơi, công cụ lao động sẽ được hồi sức trở lại. Vì vậy, khi các thành viên trong gia đình sử dụng chúng để canh tác mùa vụ mới sẽ không bị tai nạn lao động".

Bên cạnh đó, cũng theo ông Mua, công cụ lao động sẽ giúp nâng cao năng suất lương thực trong năm mới, góp phần đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Mặt khác, tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu sang năm mới sử dụng công cụ lao động một cách an toàn, hiệu quả...

Lý giải về những tập tục trên, ông Sùng Chờ Nó - Bí thư Đảng uỷ xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu cho biết, Tết cổ truyền của người Mông diễn ra vào ngày 30.11 âm lịch hàng năm, không chỉ khác thời điểm so với Tết Nguyên đán, mà còn nhiều điểm khác biệt bởi các tập tục từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mông và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

"Người Mông quan niệm mọi vật đều có linh hồn và công cụ lao động cũng vậy. Dịp Tết, con người được nghỉ ngơi nên công cụ lao cũng sẽ được gia chủ cho nghỉ ngơi để "ăn Tết".

Cùng với đó, nếu gia đình đã ăn Tết mà cầm tiền đi tiêu hoặc lì xì cho hàng xóm, họ hàng thì trong năm mới công việc làm ăn sẽ bị thất bát, tiền của đem làm lợi cho người khác, sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có lãi... Đây là những nét riêng tạo nên bản sắc văn hoá của người Mông" - ông Nó cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn