MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao “cấm” bài hát tại Hội thi Ca múa nhạc ngành GDĐT An Giang

Lục Tùng LDO | 21/03/2019 13:35

Sáng 21.3, GĐ Sở GD ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm phát đi thông báo đến nhiều cơ quan truyền thông lý giải việc BTC Hội thi Ca múa nhạc ngành GDĐT năm 2019 (Hội thi) thay đổi một số bài hát là vì “sợ lứa tuổi còn nhỏ, các em khó chuyển tải hết ý nghĩa của ca khúc”. Tuy nhiên, dư luận đặt ra nghi vấn: Có phải là để “rộng cửa” đơn vị này và “hẹp cửa” đơn vị khác?

Ngày 27.2, tức trước thời điểm diễn ra vòng chung kết Hội thi hơn 10 ngày, Sở GDĐT An Giang gửi Thông báo đến các đơn vị tham gia "hạn chế" sử dụng một số bài hát.

Quang cảnh phát thưởng Hội thi ca mua nhạc ngành GD ĐT An Giang. Ảnh: LT

Cụ thể, tại Thông báo số 19, Phó GĐ Sở GDĐT An Giang Võ Bình Thư đề nghị các đơn vị phải thay đổi các bài hát sau đây khi dự thi, như: “Giấc mơ cánh cò” (sáng tác Vũ Quốc Việt); “Mẹ tôi” (sáng tác Trần Tiến); “Cám ơn tình yêu” (sáng tác Huy Tuấn) “Đất nước lời ru” (sáng tác Văn Thành Nho), “Những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long” (sáng tác Huỳnh Thơ).

Thông báo “hạn chế” bài hát của Phó GĐ Sở GD ĐT An Giang Võ Bình Thư. Ảnh: Lục Tùng

Thông báo cũng đề nghị “cần nghiên cứu, xem xét khả năng trình diễn của học sinh (HS) khi tham gia dự thi và giao quyền cho trưởng đoàn tự quyết định thay đổi, gồm: “Nghĩa sư đồ” (sáng tác Lê Kỹ Thi); “Đừng để con một mình” (sáng tác của Trang Pháp); “Vũ điệu con cò” (sáng tác Phó Đức Phương)...

Thông tin này không chỉ gây khó cho các đoàn thay đổi ca khúc vì phần lớn đây là những tiết mục đạt kết quả cao ở vùng thu cấp cơ sở và thời gian còn lại quá ngắn (bắt đầu vòng chung là 11.3)... mà còn gây “sốc” cho nhiều HS.

Thậm chí, để “gò” theo tinh thần thông báo, có đơn vị buộc phải “vớt” lại những tiết mục đã bị loại ở vòng thi cấp cơ sở đem đi thi..

Hơn thế nữa, thông báo còn gây hoang mang, bởi các ca khúc bị "hạn chế" đều ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh cách mạng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ca ngợi tình thầy trò...

Đại diễn Sở GD ĐT An Giang trao giải cho các tiết mục đạt thứ hạng cao tại Hội thi. Ảnh: LT

Theo ông Thư, thông báo dựa trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban thẩm định chương trình dự thi gồm 3 chuyên gia: Dương Phương Đông – Phó Trưởng khoa Du lịch và Văn hóa – Nghệ thuật (ĐH An Giang); Lê Phú Thạnh - Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTT-DL An Giang); NSƯT Hồ Thanh Danh – Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với lý do “hạn chế” bài hát xuất phát là "lo HS chưa có sự trải nghiệm xã hội, chưa thấu hiểu hết ý nghĩa lịch sử, giá trị nghệ thuật của tác giả viết...”. 

Cách giải thích này chưa được nhiều phụ huynh và người am hiểu âm nhạc ở An Giang đồng tình. Bởi phần lớn các đơn vị tham dự đều do giáo viên âm nhạc hoặc cán bộ văn hóa của huyện, thị xã, thành phố phụ trách nên họ không “ngờ nghệch” đến mức tư vấn để HS  “hụt hơi” với ca khúc.

Hơn thế nữa, đây là “sân chơi lành mạnh” để HS tri ân thầy cô, chứ không phải là nơi “ăn thua” đến mức phải khắt khe đến việc “hạn chế” ca khúc không nằm trong danh mục cấm của cơ quan thẩm quyền. 

Dư luận đang đặt ra nghi vấn: Liệu đây có phải là để “rộng cửa” cho đơn vị này và “hẹp cửa” đối với đơn vị khác. Vì Thông báo rất “mập mờ” khi không nói rõ  là “cấm” hay sẽ “trừ điểm” đối với những ca khúc.

Ngoài ra, BTC lại hành xử khó hiểu khi ông Thư là Trưởng Ban tổ chức lại ra thông báo “tuýt còi” các ca khúc đã được ngành mình chấp nhận trước đó.

Thông báo nhìn nhận thiếu sót của GĐ Sở GD ĐT An Giang. Ảnh: Lục Tùng

“Nhận thấy thông báo có một số điểm chưa phù hợp, Sở GDĐT An Giang xin nghiêm túc rút kinh nghiệm”- GĐ Sở GDĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn