MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao nhóm trí thức Huế phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes?

Hoàng Văn Minh LDO | 27/11/2019 14:43

Luận điểm mở đầu của PGS.TS Lê Cung và nhóm trí thức Huế viết trong bản kiến nghị gửi Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là do Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.

Mới đây, thành phố Đà Nẵng lấy ý kiến về đặt và đổi tên đường, trong đó điểm đáng chú ý là thành phố dự kiến lấy tên 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina - 2 người được coi là "ông tổ" chữ quốc ngữ đặt tên cho 2 tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng trong số 137 đường vào dịp này.

Tuy nhiên sau đó, Sở Văn hóa Thông tin thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND thành phố Đà Nẵng chưa đặt tên đường lần này đối với 2 linh mục nói trên do "do còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao".

Chân dung linh mục Alexandre de Rhodes. Ảnh: vi.wikipedia.org

Trước đó, một nhóm trí thức Huế gồm 12 người, do PGS.TS Lê Cung, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế, đứng đầu đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina.

Lý do, theo bản kiến nghị viết: "Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ".

Dưới đây, Lao Động xin trích đăng nguyên văn phần dẫn giải của nhóm trí thức Huế về lý do không đặt tên đường:

“Giáo-sĩ Đắc-Lộ (tức Alexandre de Rhodes) thật ra không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ. Trước ông, đã có nhiều người đã cố gắng tìm cách phiên âm tiếng nói của dân Việt bằng vần La-tinh và chính ông cũng đã bao lần trong những tác phẩm của ông nói đến nhiều sách vở được viết ra trước ông bằng tiếng Việt (...).

Và đồng thời với giáo sĩ Đắc-Lộ, chắc chắn cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề phiên âm: Đó là lẽ dĩ nhiên vì công cuộc phiên âm là một lợi khí rất lớn cho việc truyền giáo. Vậy thì không còn ai có thể bào chữa thuyết cho rằng giáo sĩ Đắc-Lộ là ông tổ và ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ” (Giáo sư, Tiến sĩ Trương Bửu Lâm, trong Việt Nam khảo cổ Tập san, số 2-1961, tr. 11).

“Đắc-Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa, vào năm 1636 Đắc-Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số Linh mục Dòng tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó. Thật ra, trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc-Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên” (Linh mục Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn, 1972, tr. 78).

“Đắc Lộ đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp quý giá, không thể thiếu được của các tín đồ người Việt tiếp xúc gần gũi với ông, chia sẻ chí hướng của ông (...).

Thực sự công trình sáng tạo chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó Đắc Lộ là người đã có một vị trí cốt yếu khi sử dụng rộng rãi thứ chữ mới này trong các tác phẩm in trình bày những kiến thức sâu rộng.

Các bậc thức giả như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định chữ quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người” (Đỗ Hữu Nghiêm, Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ, báo Công giáo và dân tộc, số 798,17/3/1991, tr. 14).

“Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ… Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách (tức Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày) được coi như tài liệu duy nhất về chữ quốc ngữ” (Linh mục Thanh Lãng, trích trong “Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb. Tp. HCM, 1988, tập II, tr. 136-137).

Và chính A. de Rhodes cũng đã viết: “Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh (tức Đàng Trong và Đàng Ngoài), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt - Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ - Đào (tức là từ điển Bồ - Việt), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn,...” (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, tức Từ điển Việt - Bồ - La, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, phần phiên dịch, tr. 3).

Tên đường Alexandre de Rhodes đã được đặt từ lâu ở TP.HCM. Ảnh: Tư liệu

“Vậy rõ ràng A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là G. de Amaral và A. Barbosa. Ông ta chỉ thừa hưởng công trình của hai cố đạo kia rồi thêm tiếng La Tinh vào theo lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi…

Lời lẽ của chính đương sự rõ như ban ngày: A. de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện ‘gậy ông đập lưng ông’ mà thôi” (An Chi, “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt”, báo An ninh thế giới, 28-9-2010).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn