MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những thửa ruộng bậc thang ngả vàng sang thu tại Bình Liêu. Ảnh: Đoàn Hưng

Vi vu miền biên viễn Bình Liêu mùa thu

Đoàn Hưng LDO | 09/09/2023 15:13

Quảng Ninh – Miền biên viễn Bình Liêu gây ấn tượng với du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… Bước vào mùa thu, nhiều hoạt động hấp dẫn đang được địa phương tích cực chuẩn bị để chào đón du khách bốn phương.

Mùa thu Bình Liêu mang vẻ đẹp lãng mạn của những vạt hoa lau bung nở trắng xóa trên cung đường tuần tra biên giới dẫn lên các cột mốc.

Đây cũng là thời điểm mùa lúa chín vàng khắp những chân ruộng bậc thang nơi rẻo cao Bình Liêu, như: Bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn), bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), bản Ngàn Vàng, Ngàn Chuồng (xã Đồng Tâm)...

Sống lưng khủng long - một điểm du lịch leo núi hấp dẫn tại Bình Liêu. Ảnh: Thanh Huyền

Ngắm nhìn một Bình Liêu hoang sơ, cuốn hút với những cung đường uốn lượn quanh đồi núi, tìm hiểu nền văn hóa đậm đà bản sắc của tộc người Dao, Tày, Sán Chỉ… sẽ khiến du khách quên đi hết những âu lo, muộn phiền của cuộc sống.

Đến Bình Liêu vào dịp thu cuối tháng 10 đầu tháng 11, du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động vui chơi sôi nổi, đậm màu sắc văn hóa, truyền thống; trải nghiệm các hoạt động như: Bay dù lượn ngắm ruộng bậc thang, chinh phục “Sống lưng khủng long”; tìm hiểu nghi lễ truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian…

Nghi lễ đón dâu người Sán Chỉ. Ảnh: Đoàn Hưng

Trưởng bản Dường Phúc Thím (sinh năm 1978, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) làm hướng dẫn viên du lịch được 2 năm - cho biết: “Tiết trời thu ở Bình Liêu mát mẻ, rất phù hợp với chương trình tham quan dã ngoại và leo núi. Những hôm thời tiết giảm nhiệt hoặc sau cơn mưa là thời điểm du khách chụp ảnh mây đẹp nhất. Các điểm săn mây lý tưởng đó là “sống lưng khủng long”, đỉnh Cao Ly, đinh Cao Ba Lanh, đỉnh Cao Xiêm".

Để chuẩn bị đón lượng khách du lịch cao điểm trong năm, hiện các khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên địa bàn huyện đang tập trung sửa chữa, chỉnh trang cơ sở vật chất.

Cùng với đó, những năm gần đây, hệ thống đường giao thông đã được đầu tư xây dựng, kết nối các thôn bản. Hiện tại, đường lên Cao Ly đang mở rộng, đường lên Cao Ba Lanh đã thông tuyến, đang chuẩn bị dải nhựa.

Tất cả các thôn bản biên giới cũng có sóng điện thoại, có wifi, người dân cũng dàn dựng các chương trình văn nghệ như hát then, sống cọ, đàn tính… phục vụ du khách.

Ông Mạc Ngọc Điệp - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu - cho biết: Huyện Bình Liêu hiện có 3 tuyến, 7 điểm du lịch. Các tuyến điểm du lịch này đang được huyện đầu tư hạ tầng nhằm giúp du khách đi lại thuận tiện hơn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án theo danh mục khuyến khích, như: Dự án tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích - danh lam thắng cảnh thác Khe Vằn; bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khu rừng Sở (xã Đồng Tâm)...".

Toàn huyện hiện có 30 cơ sở lưu trú (3 khách sạn, 18 nhà nghỉ, 9 homestay), công suất phục vụ khoảng 1.200 người. Để du khách đến và ở lại lâu hơn, đáp ứng yêu cầu đón khách quốc tế, Bình Liêu đang phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu triển khai xây dựng khách sạn 4 sao trên địa bàn huyện và tích cực vận động, hỗ trợ các khách sạn đủ tiêu chuẩn thực hiện thủ tục xếp hạng sao nhằm khẳng định chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.

Đối với các sản phẩm du lịch sinh thái, săn mây Cao Ly và du lịch tâm linh gắn với công trình đài tưởng niệm Cao Ba Lanh của huyện Bình Liêu đang được triển khai, dự kiến sẽ đưa vào phục vụ du khách trong quý III, IV năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn