MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Người phán xử”. Ảnh: VFC cung cấp

Việt hóa kịch bản phim ngoại, kỳ 1: Khủng hoảng kịch bản phim Việt?

VIỆT VĂN LDO | 23/05/2017 06:33
Mua kịch bản nước ngoài rồi Việt hóa đang trở thành một xu hướng mới của nhiều đơn vị sản xuất phim Việt. Trên các kênh của VTV và HTV vào khung giờ vàng hiện có 4 bộ phim Việt hóa: “Người phán xử”, “Gia đình là số 1”, “Gia đình vui nhộn”, “Sống chung với mẹ chồng”. 4 phim trên đang có lượng rating cao, và chính điều này là hồi chuông báo động cho kịch bản phim truyền hình Việt...

Nhiều màu hơn

Việt hóa kịch bản phim nước ngoài đã xuất hiện từ gần cả chục năm trước, nhưng đến nay càng nở rộ.

Phim “Người phán xử” (đang chiếu trên VTV3) hấp dẫn từ đầu nhờ kịch bản gốc Israel, với câu chuyện xoay quanh một ông trùm, đi sâu vào thế giới tội phạm với nhiều tình tiết gay cấn, sống động. Nó hấp dẫn đến mức cả ba đạo diễn dàn dựng Khải Anh, Danh Dũng và Mai Hiền cùng hết lời khen về yếu tố kịch tính, những bất ngờ không thể đoán trước trong kịch bản. Nói chung, kịch bản ở tầm cao hẳn so với kịch bản series “Cảnh sát hình sự” trước đây.

“Sống chung với mẹ chồng” ở những tập đầu thu hút khá đông khán giả vì “gây sự” liên tục với chuyện mẹ chồng nàng dâu - mối quan hệ nhiều sóng gió của nhiều gia đình Việt. Diễn xuất mạnh mẽ, đối thoại thẳng tưng thô ráp khiến cho cảm giác cuộc sống bị “băm nát” lên để dậy mùi. Kịch bản “Sống chung với mẹ chồng” được nữ biên kịch trẻ Đặng Thiếu Ngân phóng tác dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển (tên thật là Giả Hiểu) xoay quanh cuộc sống của cô gái trẻ Hy Lôi với mẹ chồng - bà Phương Xảo Trân, người đàn bà đảm đang, xốc vác nhưng xét nét, chi li từng tí một.

“Gia đình là số 1” thuộc thể loại hài kịch tình huống (sitcom) được làm lại từ bộ phim cùng tên phiên bản Hàn Quốc, lên sóng trên kênh truyền hình HTV7 từ ngày 18.1.2017 từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, dài tới 208 tập, quy tụ nhiều gương mặt quen thuộc như NSƯT Việt Anh, Phi Phụng... Phim lấy đề tài gia đình tập trung vào cuộc sống gia đình 3 thế hệ. Đây là series sitcom được đầu tư với quy mô lớn nhất và dài hơi nhất từ trước đến nay với kinh phí sản xuất gần 250 triệu đồng cho 1 tập phim 30 phút và tổng kinh phí cho 208 tập lên đến gần 50 tỉ đồng.

“Gia đình vui nhộn” cũng là dạng phim sitcom hài hước được Việt hóa từ series khá ăn khách tại Mỹ - “Home Improvement”. Phim xoay quanh câu chuyện về gia đình Tư Mỏ Lết - người dẫn chương trình truyền hình “Giờ công cụ” do Nguyễn Minh Chung làm đạo diễn (đạo diễn “Cô gái xấu xí” - một phim cũng được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài). Phim có sự tham gia của cặp đôi nghệ sĩ Quang Minh - Hồng Đào trong vai diễn “vợ chồng Tư Mỏ Lết - Mộng Lan”.

Thành công đến đâu?

“Gia đình là số 1” khá hài hước, cuộc sống hiện đại của gia đình Hàn với những tình tiết, ứng xử trong cuộc sống khá gần gũi với người dân Việt nên thu hút khán giả đều đặn. Trong khi “Gia đình vui nhộn” ăn ở dàn diễn viên tung hứng nhịp nhàng với những câu chuyện mang hơi thở nóng hổi của đời sống, làm khán giả được dịp thoải mái thư giãn, xả stress và còn cung cấp những mẹo vặt thiết thực để phục vụ cuộc sống gia đình.

Việc Việt hóa “Người phán xử” chỉ thành công ở mức độ nhất định. Giảm bớt liều lượng khốc liệt, đẫm máu cho phù hợp với tâm lý Á Đông là cần thiết, nhưng thoại kịch bản chưa hay. Các nhân vật xã hội đen còn nói nhiều quá, diễn xuất của NSND Hoàng Dũng trong vai ông trùm Phan Quân vẫn chưa có sự đáng sợ cần thiết mà vẫn có phần cương cứng, lên gân, hơi “kịch”. NSƯT Trung Anh vào vai Lương “bổng” - quân sư và cánh tay phải của ông trùm Phan Quân với nét mặt khổ khổ cũng thiếu độ lạnh. Và nhất là Việt Anh vào vai Phan Hải - con của ông trùm Phan Quân - vẫn diễn xuất nặng về ngoại hình, hay la hét quát tháo, trợn mắt không cần thiết, có lẽ Việt Anh chỉ hợp vai công tử ăn chơi... Trong khi Hồng Đăng diễn tự nhiên và màu sắc biểu cảm tốt hơn.

Trong “Sống chung với mẹ chồng”, việc Việt hóa kịch bản cũng có vấn đề. Nhân vật mẹ chồng bị coi là “quái thai ngâm giấm”, các cô dâu cũng chuyên nói xấu mẹ chồng, cô vô tích sự chỉ lo ăn uống, cô chỉ lo mua sắm ăn diện. Các anh chồng chả khá hơn, hoặc bám váy mẹ nhu nhược, hoặc nghe vợ làm mẹ ngậm đắng cay trong lòng... Nói chung thiếu chuẩn “men”. Người tốt chỉ loáng thoáng trong phim và gây cảm giác ngu ngơ. Nhiều khán giả khó tính “ném đá” tơi bời trên mạng, coi phim vi phạm thuần phong mỹ tục Việt, thiếu tính giáo dục và lên tiếng chỉ trích sự cường điệu, thái quá của các nhân vật... Số ít bênh vực, cho là ngoài đời còn kinh khủng hơn nhiều. Nhưng cũng rất đông khán giả vẫn thích xem để coi mẹ chồng tai quái đến nhường nào và con dâu chống chọi như thế nào. Nếu coi “Sống chung với mẹ chồng” là phim giải trí, xem xong là quên thì cũng chả sao, còn nếu soi thì thấy vô vàn chuyện...

Dù việc Việt hóa kịch bản phim nước ngoài còn nhiều vấn đề đáng nói, gây ra nhiều tranh cãi cho khán giả, nhưng các phim trên đang có rating cao, thu hút đông người xem trên truyền hình, được báo chí, truyền thông nhắc đến liên tục. Có lẽ vì thế mà xu hướng làm phim theo kịch bản nước ngoài được Việt hóa đang ngày càng tăng, và điều này cũng chính là hồi chuông báo động cho kịch bản phim truyền hình Việt.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn