MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TTTT và Bộ VHTTDL đã thống nhất không dùng từ "phong sát" mà sử dụng từ "hạn chế hình ảnh". Ảnh: Bộ TTTT

Việt Nam không có quy định pháp luật về phong sát nghệ sĩ lệch chuẩn

Anh Vũ - Hữu Chánh LDO | 05/05/2023 11:27
Đối với các nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, lối sống lệch chuẩn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất không dùng từ "phong sát" mà sử dụng từ "hạn chế hình ảnh".

Sáng nay (5.5), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của bộ, của ngành TTTT trong tháng 4.2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của bộ trong thời gian tới.

Đồng thời, bộ trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của bộ, của ngành TTTT đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Tại họp báo, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề xử lý nghệ sĩ vi phạm đạo đức, lối sống lệch chuẩn trên không gian mạng. Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, sẽ không xử lý nghệ sĩ theo hướng cấm sóng, "phong sát". 

"Phong sát" là từ có nguồn gốc tiếng Trung. Trong đó, phong tạm hiểu là phong tỏa, sát nghĩa là giết hại. Tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, "phong sát" được sử dụng khi một người bị cấm hoặc phong tỏa để ngăn họ tiếp tục xuất hiện trong một lĩnh vực nhất định. Các cụm từ đồng nghĩa với "phong sát" là tẩy chay, cấm sóng.

Ông Lê Quang Tự Do cho hay, bộ chưa bao giờ nói sẽ triển khai "phong sát" hay cấm sóng nghệ sĩ. Trong cuộc họp báo cuối năm 2022, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã nói rõ, qua nghiên cứu cho thấy, các nước gần chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc có các cách xử lý nghệ sĩ lệch chuẩn như tẩy chay, "phong sát", cấm sóng. Tuy nhiên, áp dụng vào trường hợp Việt Nam, Bộ TTTT và Bộ VHTTDL đã thống nhất không dùng từ "phong sát" mà sử dụng từ "hạn chế hình ảnh".

Theo đó, thay vì "cấm", bộ sẽ triển khai hạn chế hình ảnh của những nghệ sĩ đó ở trên các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, đài phát thanh truyền hình, trên mạng và các hoạt động biểu diễn trên sân khấu.

"Lý do không dùng từ "phong sát", hay "cấm" là vì nó sẽ trở thành một văn bản quy phạm pháp luật. Theo luật của Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, phải đưa vào luật" - ông Lê Quang Tự Do nói.

Trong trường hợp này, ông Lê Quang Tự Do cho hay, bộ sẽ sử dụng biện pháp nền, quy định nền, vận động các cơ quan báo chí và truyền thông đa phương tiện ủng hộ nhà nước cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Không khuyến khích, cổ vũ, mời các nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, lối sống lệch chuẩn mà bộ quy tắc ứng xử của bộ văn hoá đã đề ra. Quá trình này sẽ được thực hiện theo tinh thần đồng thuận, tự nguyện chứ không phải quy định pháp luật bắt buộc. 

Bộ VHTTDL đã hoàn thành việc xin ý kiến của các cơ quan ban ngành liên quan, việc ban hành quy định này do Bộ VHTTDL chủ trì. Tuy nhiên, việc xử lý thông tin trên môi trường báo chí và mạng internet vẫn liên quan tới Bộ TTTT nên cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn