MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”-1979. ảnh chụp lại qua màn hình

“Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”: Tôn trọng sự thật và minh bạch lịch sử

Việt dũng (thực hiện) LDO | 02/09/2020 16:16
 “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” do Báo Nhân Dân thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, là một dự án phim tài liệu đồ sộ gồm 90 tập phim (25 đến 30 phút/tập), như một “biên niên sử” của dòng chảy lịch sử, sự phát triển trường tồn của dân tộc, đất nước, thời đại… song hành cùng với sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu trong cả một tiến trình lịch sử, từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại Hồ Chí Minh cho đến nay. Phim được phát sóng đúng dịp  kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020) và dự kiến kéo dài đến tháng 2.2021 trên VTV1 và nhiều kênh sóng truyền hình cả nước. Phóng viên Lao Động đã có cuộc phỏng vấn NSND Lê Thi - Tổng đạo diễn của bộ phim.

Tổng Đạo diễn, NSND Lê Thi nhấn mạnh: Đây là một dự án phim có công sức to lớn của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, nhóm viết kịch bản do Lê Anh làm Tổng kịch bản, nhóm đạo diễn và những người ở nhiều đầu mối khác nhau, trực tiếp làm phim, với nhận thức chính trị sâu sắc và bản lĩnh vững vàng. Bên cạnh đó, dự án còn nhận được sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, sử học, văn hóa, xã hội, kinh tế… từ các cơ quan tổ chức uy tín như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam…

Kết cấu phim truyền hình theo hình thức biên niên sử có phải là một điểm khác biệt so với những bộ phim tài liệu lịch sử trước đây không, thưa ông?

- Đây cũng là cách làm mới, theo cấp trên chỉ đạo phải làm sự kiện từng năm một. Trừ 5 tập đầu tiên với tên chung “Khát vọng độc lập tự do” làm theo dạng tổng hợp, để khái quát lịch sử và  khát vọng độc lập của dân tộc từ thời Hùng Vương đến trước khi Đảng ra đời. Các phần sau khi Đảng  tiếp tục thực hiện khát vọng độc lập từ thời ông cha, tổ tiên trong thời đại Hồ Chí Minh thì bắt đầu làm từng năm một.

Những thách thức chính mà đoàn làm phim từ kịch bản, đạo diễn… phải đối mặt khi thực hiện 90 tập phim truyền hình về lịch sử này, đặc biệt là vấn đề khai thác tư liệu, nhân chứng?

- Về nguồn tư liệu, đây là cái giỏi của ban chỉ đạo, khi cho người đi sưu tầm tư liệu rồi sang các nước, sẵn sàng mua tư liệu lưu trữ ở họ. Công của anh Lê Anh, tổng kịch bản là rất rõ rệt. Tư liệu của nước ngoài đều được bảo quản tốt. Chúng ta đã phối hợp với một số trung tâm lưu trữ, cơ quan điện ảnh, truyền hình nước ngoài như: Thư viện Quốc hội, Trung tâm Việt Nam (Hoa Kỳ); Trung tâm lưu trữ Đảng Cộng sản Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Trung tâm Điện ảnh (Pháp); các Trung tâm lưu trữ tại Nga và một số nước khác… nên đã tiếp cận, khai thác được các tư liệu, hình ảnh, tài liệu quý, trong đó có một số tư liệu lần đầu được giới thiệu ở Việt Nam. Đây là phim của ta làm về cuộc chiến tranh nên cũng phải sử dụng tư liệu của ta dù chất lượng hình ảnh kém hơn, do bảo quản kém.

Nguồn tư liệu, thông tin là khổng lồ. Cái khó của biên kịch, đạo diễn là chắt lọc, sử dụng nó như thế nào để trình bày các sự kiện lớn tương đối chi tiết trong từng năm.

Về nhân chứng lịch sử, có rất nhiều nhân chứng nước ngoài ở nhiều thành phần khác nhau: Từ chuyên gia sử học, nhà phân tích, bình luận cho đến các bạn trẻ… Họ nói hoàn toàn chân thật và không bị ai lái hay ép theo hướng nào. Có nhân chứng, đoàn phim quay trực tiếp, có nhân chứng qua các phim tư liệu nước ngoài, ở đây có sự giúp đỡ nhiệt tình của các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, thường trú báo Nhân Dân ở các nơi và bạn bè đồng nghiệp ở nước ngoài.

Quan điểm về làm phim lịch sử:  Lịch sử trả về cho chính nó. Đây có phải là mấu chốt thành công của series phim này?

- Đó là góc nhìn trên cơ sở những người trong cuộc, trải qua những thời khắc lịch sử, tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật và minh bạch lịch sử. Kể cả khi nhìn lại chiến thắng của ta, cũng thấy hết những khó khăn, thất bại của ta cả những mất mát, sai lầm trước đây chưa hề được nói tới.

Được biết phim được khán giả đón nhận một phần vì có rất nhiều tư liệu lịch sử lần đầu được công bố, trong đó có nhiều vấn đề  trước đây được xem là nhạy cảm. Ông có thể cho biết những vấn đề lớn nào “nhạy cảm” được công bố?

- Có nhiều vấn đề lần đầu công bố, đáng chú ý như những sai lầm trong cải cách ruộng đất, những người chịu trách nhiệm sai lầm. Từ việc Bác Hồ nhận khuyết điểm trước toàn dân, rồi người chịu trách nhiệm ông Hồ Viết Thắng trưởng ban cải cách bị kỷ luật, đồng chí Trường Chinh thôi chức Tổng bí thư… Phim cũng chỉ ra việc vận dụng học từ bên ngoài vào không đúng, duy ý chí… Và vấn đề nhìn lại chiến tranh biên giới phía Bắc, Trung Quốc xâm lược ta, minh bạch rõ các sự kiện lịch sử, các nước có thiện chí ủng hộ ta ra sao từ Liên Xô (cũ) đến Cuba, Lào, Campuchia…

Thưa ông, hiện tiến trình của bộ phim đang ở giai đoạn nào? Và có những điều gì thú vị chờ đợi khán giả ở những tập phim tiếp theo?

- Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn làm phim sẽ hoàn tất 90 tập phim vào cuối năm nay, hoàn thành trước Đại hội Đảng toàn quốc. Các tập sau tiếp tục có những vấn đề lần đầu được công bố, “giải mật” có những sự kiện xôn xao dư luận, hay chuyện ai là người có công đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới đất nước sau Đại hội Đảng lần thứ VI…

Cuối cùng ngoài giá trị nội dung sâu sắc thì tính nghệ thuật của phim có gì đặc biệt thưa ông?

- Nghệ thuật của một phim tài liệu lịch sử không phải là những khám phá mới mẻ về ngôn ngữ điện ảnh mà là nghệ thuật sử dụng tư liệu, chắt lọc sự kiện, đưa những sự kiện của dân tộc, của đất nước, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng chân thật, không gượng ép.

Đây là phim không dựng lại, chỉ dùng tư liệu và quay nhân chứng. Đây cũng là bộ phim hy vọng mở ra một hướng mới làm phim tài liệu lịch sử mà không bị nhà biên tập vô hình trong đầu, luôn áp chế, để phim dè chừng, an toàn…

-Xin trân trọng cảm ơn Tổng đạo diễn Lê Thi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn