MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Bình

VIVASO: "Cơ quan nhà nước đã định giá thương hiệu hãng phim bằng 0"

Hiền Hương (thực hiện) LDO | 18/04/2023 06:15
Ông Nguyễn Danh Thắng – đại diện cho nhà đầu tư chiến lược VIVASO hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Phóng viên báo Lao Động có buổi làm việc với ông Thắng xung quanh câu chuyện thực hiện cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim truyện Việt Nam với bề dày lịch sử, đã có những năm tháng rực rỡ, sản xuất hàng trăm thước phim cho điện ảnh cách mạng... nhưng cuối cùng lại được định giá thương hiệu bằng 0, định giá doanh nghiệp giá rẻ. Theo báo cáo tài chính vào thời điểm đó, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) còn đang là con nợ (bị Vạn Cường mua lại theo phương thức cổ phần hóa). Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, vì sao hãng phim bị định giá thấp, hay, vì sao VIVASO lại mua được hãng phim truyện chỉ với 32,5 tỉ đồng?

Đây là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước xác định, nhà đầu tư không được tham gia.

Nói dễ hiểu là sau khi các cơ quan nhà nước xác định xong giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần, nhà đầu tư đăng ký đấu giá mua. 

Về giá trị thương hiệu bằng 0 ở hãng phim, Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định lại giá trị thương hiệu của hãng dựa trên yếu tố lịch sử và bề dày truyền thống.

Nhà đầu tư chấp hành chủ trương chỉ đạo và đã đưa nội dung này vào điều lệ hoạt động của công ty sau khi xác định được giá trị thương hiệu của hãng phim, sẽ đưa tăng phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp lần 2.

Nhưng như tôi biết, cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được. Ở Việt Nam đã cổ phần rất nhiều doanh nghiệp nhà nước có yếu tố lịch sử và bề dày truyền thống, được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, nhưng chưa có công ty nào xác định giá trị thương hiệu dựa trên yếu tố này.

Ông Danh Thắng cho biết từng tìm đến đài KBS Hàn Quốc để hợp tác làm phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Nghe VIVASO trả lời sẽ chỉ thấy, nhà đầu tư cho là mình đã đúng, chỉ có nghệ sĩ hãng phim sai. Có thể mâu thuẫn và sự cãi vã triền miên của việc cổ phần hóa hãng phim bắt nguồn sâu xa từ đó?

Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải ai đúng, ai sai mà là hai bên chưa hiểu nhau, một số nghệ sĩ phản ứng một cách cực đoan, nhà đầu tư chúng tôi chưa có cơ hội để thực hiện mục tiêu đầu tư.

Có dư luận hỏi rằng tại sao suốt 5 năm qua các anh không thực hiện, không có kế hoạch gì? Xin thưa rằng 5 năm qua là 5 năm chúng tôi chờ thoái vốn.

Trong thời gian chờ thoái vốn sao chúng tôi có thể tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính để thực hiện?

Sự khác biệt giữa VIVASO và một số nghệ sĩ là khác biệt về tư duy bao cấp và tư duy kinh tế thị trường.

Trước khi cổ phần hoá, Hãng phim truyện Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, có không ít người không làm việc thường xuyên, không có đóng góp thậm chí có người đi làm việc ở đoàn làm phim khác nhưng vẫn được công ty trả lương.

Tôi nghĩ rằng khi chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, đặc biệt công ty cổ phần nhà nước không chi phối, đều có sự sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy quản lý điều hành và lực lượng lao động, tất yếu sẽ có sự đào thải theo quy luật thị trường.

Người tốt, giỏi sẽ được trọng dụng, phát huy, người không làm được việc hoặc không phù hợp với cơ chế thị trường sẽ bị đào thải.

Thường doanh nghiệp Nhà nước có bộ máy cồng kềnh, số lượng lao động gián tiếp lớn, nên dù ít hay nhiều khi chuyển đổi mô hình sẽ có sự mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

Tại sao mâu thuẫn lớn, gần như không thể có tiếng nói chung, nhưng VIVASO không muốn thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam?

Chúng tôi làm văn bản xin thoái vốn từ tháng 2.2018, từ đó đến nay chưa thoái được do Bộ VHTTDL chưa tìm được nhà đầu tư mới cũng như khó khăn về nguồn vốn và các quy định của pháp luật hiện hành về việc để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mua lại cổ phần của nhà đầu tư.

Từ đó đến nay, chúng tôi chưa thoái vốn tại hãng phim được, điều đó cũng làm thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Do vậy, chúng tôi xin tiếp tục đầu tư như mục tiêu ban đầu.

Câu chuyện cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam gây tranh cãi suốt thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Thành Bình

- Kịch bản cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam đã có những lộ trình lặp lại từ chính kịch bản cổ phần hóa ở VIVASO (cơ quan nhà nước đã được Vạn Cường mua lại theo hình thức cổ phần). Sẽ có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh này, VIVASO tuyên bố muốn làm phim và xin không thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là biện pháp tình thế?

Những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa VIVASO mà Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận là sai phạm của các cơ quan chức năng.

Bạn nói biện pháp tình thế tại Hãng phim truyện Việt Nam, tôi không hiểu biện pháp tình thế là gì? Mục tiêu duy nhất của nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp là làm sao cho doanh nghiệp phát triển, đem lại lợi nhuận cho công ty để từ đó đem lại cổ tức cho các cổ đông. Công ty càng phát triển, giá trị cổ phiếu càng cao đấy là hiệu quả của vốn đầu tư.

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL).

Năm 2016, trước tình hình thua lỗ triền miên, Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Đài Tiếng nói Việt Nam từng gửi văn bản đến Bộ, mong muốn trở thành nhà chiến lược đầu tiên cho VFS, nhưng sau đó xin rút do không đủ năng lực tài chính.

Tháng 6.2017, Tổng công ty vận tải thủy VIVASO mua lại Hãng phim truyện Việt Nam với 32,5 tỉ đồng cho 65% cổ phần. Ba tháng sau, nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim.

Tháng 9.2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, yêu cầu VIVASO thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, VIVASO vẫn chưa hoàn tất quá trình thoái vốn do Bộ VHTT & DL chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược mới.

Ngày 15.3.2023, NSND Trà Giang bật khóc tại Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng khi nhắc đến Hãng phim truyện Việt Nam. Báo chí tiếp tục phản ánh hiện trạng hoang tàn ở hãng.

Ngày 18.3.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại ở hãng phim trước ngày 23.3.

Ngày 7.4.2023, nhà đầu tư chiến lược VIVASO gửi công văn đến văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất được làm phim, không thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Hiện, nhiều nghệ sĩ của hãng phim tiếp tục phản đối đề xuất này của VIVASO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn