MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Với nửa bên kia: Chuyện vỉa hè

PHẠM THỊ LDO | 16/04/2017 08:00
Mấy tuần nay, thiên hạ nóng chuyện vỉa hè. Ngó vào Facebook mà buồn cười vì những hình người ta chụp ở những nơi bậc thềm cao bị cắt cụt hay người bán cá rong tha con cá chép như là dắt cá sống đi trên phố.

Cười, nhưng mà xót.

Tất nhiên em ủng hộ chiến dịch giải cứu vỉa hè. Quá bừa bộn, quá chật hẹp, quá lộn xộn, quá nguy hiểm… Vỉa hè như thế từ bao lâu nay rồi, phải thay đổi, phải sạch sẽ văn minh là đúng rồi. Khi làm nhà, sao người ta không nghĩ đến việc bớt tham chút diện tích con con đi để mà bớt lấn ra đường, hay hàng quán kia, sao cậy đông khách ngồi kín cửa rồi xả rác sang hàng xóm đương nhiên? Những trường hợp ấy dẹp đi là quá đúng. Nhưng cũng còn nhiều những trường hợp khác, thì… thương! Bởi các bà các chị bán hàng rong mất chỗ mưu sinh là nơi chốn thân quen vỉa hè thì sẽ không ít gia đình thiếu đói. Em cứ nhớ chị bán cháo sườn ngày xưa ở đầu phố, trong một chiến dịch truy quét vỉa hè tương tự, đã khóc ra sao khi quang gánh cháo bị giật, nồi cháo đổ ra đường, quẩy đã cắt sẵn để cho vào cháo văng tung tóe mặt phố. Hôm nay nắng lên đi qua một con phố gần công viên, trưa nóng, mấy chị đồng nát úp nón lên mặt nằm dài… Vỉa hè với họ là nhà, nhìn đến tội.

Cứ tội mãi thế, vỉa hè tất nhiên còn lâu mới đẹp.

Chỉ là, có hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, vỉa hè vẫn không đẹp. Nó không thể rộng ra dù giải cứu đến đâu, mà người thì tiếp tục đông lên nhanh chóng. Trách các nhà quản lý đô thị đến trăm năm nữa vẫn thế thôi.

Em không giận vì vỉa hè chật, em giận vì vỉa hè nhiều rác.

Cái này đúng là chẳng trách hết các nhà quản lý đô thị, vì lỗi hiển nhiên là của người dân. Chẳng hạn thế này nhé, ở nhà em hàng ngày, cứ khoảng năm, sáu giờ chiều là có xe 3 bánh chở rác đi qua. Chị công nhân môi trường gõ kẻng rồi chờ các nhà mang rác ra đổ. Cả xóm có khoảng mấy chục nhà, chỉ có dăm nhà đổ rác theo kẻng thôi. Cứ làm như đổ rác theo kẻng là việc tầm thường không phù hợp quy luật. Quy luật của các nhà còn lại là phải được vứt ra vào đêm hôm cho bí ẩn. Lén lén lút lút mang túi rác ra để đầu ngõ, để xuống lòng đường, để trên vỉa hè, để vào cửa nhà người khác… Việc vứt rác cứ như thước đo lối sống của dân đô thị, nhìn cái biết ngay một người được giáo dục ra sao khi vứt rác. Mà nghĩ thế thì có thể kết luận quá nửa thành phố, không nói quá, là vô giáo dục.

Vỉa hè thì có thể sinh ra rác, chứ rác không sinh ra vỉa hè.

Vỉa hè có thể, lâu lâu nữa, dẹp sạch được.

Rác thì còn không biết đến bao giờ.

Thế nên nếu cần tổ chức chiến dịch rầm rộ như vừa rồi, em ước thành phố tổ chức dọn rác trước, dọn vỉa hè sau. Nhưng cả hai việc này cũng cứ làm đi làm lại mãi rồi nên ước thêm một chút cũng chẳng hại gì.

Văn minh còn xa lắm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn