MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Đội quân đất nung” tại Đà Lạt (Lâm Đồng).Ảnh: N.B

Vụ chuyển “đội quân đất nung” lên Đà Lạt: Không để văn hóa, lịch sử Việt bị lệch lạc

Nhiệt Băng LDO | 03/09/2020 08:29
Ông chủ Liên Minh Group - người đã vận chuyển hàng trăm tượng đất nung lên Đà Lạt, cho rằng mình thiếu hiểu rõ về văn hóa, lịch sử, nhưng còn cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa - du lịch không ngăn chặn ngay từ đầu, khiến dư luận phản ứng rất dữ dội về các dự án du lịch, văn hóa ở Lâm Đồng. Trước đó không lâu, hàng loạt bức tượng quỷ quái ở Khu du lịch Quỷ Núi cũng của doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng khi xây dựng hàng loạt tượng quỷ quái, dị hợm, thô tục, khiến công luận dậy sóng...

Ngày 2.9, toàn bộ số tượng “đội quân đất nung” tập kết ở xã Lát, huyện Lạc Dương đã được di chuyển đi nơi khác. Sở VHTTDL Lâm Đồng yêu cầu chủ sở hữu là ông Ngô Quang Phúc - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên Minh Group phải chuyển về nơi cũ ở Bình Dương. Lý do ông Phúc chưa được cấp phép về các dự án liên quan đến số tượng này.

Khi trao đổi với PV Lao Động, ông Phúc tỏ ra mơ hồ khi giải thích về hàng trăm bức tượng binh lính. Chỉ bảo đó dáng người lính thời phong kiến Việt Nam. “Tôi nghe nói tượng lính này là thời Tây Sơn, Bình Định gì đó chứ tôi cũng không rành. Còn Vạn Lý Trường Thành gì đó là trên mạng xã hội, người ta cắt ghép, thêm vào chứ tôi không biết” - ông Phúc chia sẻ. Trên trang cá nhân của mình, ông Phúc cho rằng: “Đó là những tượng lính Việt cổ xưa được tạc, đúc mô phỏng dáng dấp đội quân Việt từ thời xa xưa, đã trải qua các thời kỳ lịch sử và gần đây nhất là triều đại nhà Nguyễn. Đội quân Việt xưa mang một ý nghĩa thâm sâu gắn liền với những câu chuyện lịch sử hào hùng của ông cha ta”.

Nhưng, người am hiểu lịch sử lại dễ dàng nhận ra, lính và tướng Việt các triều phong kiến không có trang phục, binh khí như số tượng này. Các tư liệu lịch sử và các bảo tàng trên cả nước không có mô hình này. Thời phong kiến Việt không có những đội quân giáp vàng bóng loáng như thế.

Một số nhà nghiên cứu lịch sử, sưu tầm cổ vật cho rằng những bức tượng lính mà ông Phúc mua về “giống quân Nam Hán”. Nếu là sự hiểu biết hạn hẹp của ông Phúc về hình tượng người lính Việt xưa có thể thông cảm, song dư luận phản ứng quyết liệt một phần là do cách giải thích nhập nhèm, không minh bạch của ông này.

Mặt khác, cũng tại Đà Lạt - gần thung lũng Tình Yêu, có một khu du lịch được xây mô phỏng một “Vạn Lý Trường Thành”. Dù thành quách, cổng thành đều mô phỏng kỳ quan thế giới - Vạn lý trường Thành của Trung Quốc, nhưng lại dựng lính canh mang áo vải cờ đào thuần Việt. Dựng tượng như “đội quân đất nung” của Tần Thủy Hoàng bên trong khu vực này... Chính vì vậy mà cộng đồng mạng, người dân và cả giới trí thức lập tức phản ứng khi thấy những chuyến xe “chuyển quân” của ông Phúc lên Đà Lạt.

Chiều 2.9, khi phóng viên Lao Động có mặt tại đây thì “Vạn Lý trường Thành” chỉ còn thành vách ốp đá chẻ. Riêng tượng mô phỏng người lính Việt thì không còn nữa. Người dẫn đường cho PV ở khu du lịch này nói những mô phỏng người lính đó vừa được bỏ đi vì dư luận phản ứng.

Như vậy, sau phản ứng của dư luận về khu du lịch Quỷ Núi của Liên Minh Group ở huyện Lạc Dương vi phạm xây dựng, vi phạm thuần phong mỹ tục, dựng tượng gây phản cảm thì việc dựng tượng lính Việt trên “Vạn Lý Trường Thành”, chuyển “đội quân đất nung”... chỉ bị xử lý khi mạng xã hội lên tiếng. Doanh nghiệp có thể đầu tư, xây dựng bất cứ một kỳ quan thế giới thu nhỏ nào ở Đà Lạt, nhưng phải được nhà chuyên môn thẩm định, cơ quan văn hóa cấp phép. Việc dựng “Vạn Lý Trường Thành” rồi cắm lính Việt với áo vải cờ đào, hay “đội quân đất nung” lai căn một vài chi tiết trống đồng trên khiên giáp là sự nhập nhèm về lịch sử, lai căn văn hóa vô cùng nguy hại cho lịch sử, văn hóa Việt. Lẽ ra cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa  ở Lâm Đồng phải ngăn chặn ngay từ đầu. Ngày 2.9, PV Lao Động nhiều lần liên lạc với bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng để làm rõ thêm, nhưng bất thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn