MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con trâu chọi bất ngờ húc chính chủ. Ảnh: CTV

Vụ trâu chọi Đồ Sơn húc chết người: Bài học về đối xử bạo lực với con vật!

Bích Hà LDO | 02/07/2017 19:36
Trâu húc bay hàng rào, lao vào khu vực khán giả, húc người bị thương… không phải là chuyện hiếm gặp ở các lễ hội chọi trâu, nhưng sự cố trâu húc chết chủ trong lễ hội ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Sự việc đau lòng này khiến nhiều người lo lắng về vấn đề an toàn trong các khâu tổ chức lễ hội, cũng như cách ứng xử, bảo vệ tính mạng trước những sự cố con vật hung hãn, thay vì “chọi nhau” lại quay ra tấn công người.

Tây Ban Nha nổi tiếng với lễ đấu bò tót. Trước khi tham gia, các kỵ sĩ đều phải qua trường lớp đào tạo, được dạy những kỹ năng cơ bản để tránh những tai nạn không đáng có. Tuy nhiên, hầu như năm nào cũng có tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bởi với những lễ hội bạo lực kiểu này, dù những con vật vốn hiền lành nhưng khi bị kích động cũng sẽ trở nên hung hãn.

Ở Việt Nam, những năm về trước, lễ hội chọi trâu được tổ chức ở nhiều nơi, thậm chí có năm trở thành phong trào, các tỉnh đua nhau tổ chức, để kiếm lợi từ việc bán thịt trâu chọi. Các hàng rào có khi chỉ được che chắn tạm bợ, đôi lúc người xem quá khích, nhảy cả vào sân đấu để cổ vũ.  

Và đã không thiếu hình ảnh trâu húc tung người, lao về phía khán giả, lực lượng an ninh phải leo rào né tránh, chủ trâu sợ hãi bỏ chạy trước sự truy đuổi của con vật vốn được xem là người bạn thân thiết của nhà nông, nhưng vì bị chủ lùa vào sới đấu, bị sốc tâm lý, trở nên hung dữ.

Hình ảnh những con trâu bị lùa vào sới đấu được cho là mang tính bạo lực, phản cảm. Ảnh: B.H

Có điều, chưa lần nào xảy ra sự cố gây chết người như lần này. Sự việc đau lòng ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chính là lời cảnh tỉnh cho những chủ trâu khác cần thiết phải trang bị cho mình những kỹ năng khi trực tiếp tham gia vào các lễ hội nguy hiểm.

Việc chủ quan có thể trả giá bằng tính mạng. Nhiều người cho rằng, tai nạn này là do chủ trâu chưa hiểu hết con vật, đồng thời chưa được trang bị những kỹ năng "thoát hiểm" cần thiết.

Còn theo nhìn nhận của nhà nghiên cứ văn hóa Trần Lâm Biền, lễ hội chọi trâu ngày nay đã bị biến tướng. Nếu trước đây, chỉ có con trâu thắng cuộc là được cho vào lưới, đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần, để cầu sóng yên biển lặng, thì bây giờ, đôi khi người ta tổ chức lễ hội chỉ nhằm mục đích kinh doanh, trục lợi từ việc bán thịt trâu. Cả trâu thắng, trâu thua đều bị đem giết thịt.

Vì việc kinh doanh thịt trâu chọi thu nhiều lợi nhuận, nên các nơi đua nhau tổ chức, biến lễ hội thành một hoạt động thể thao. Có nơi, người ta nuôi trâu, không phải với mục đích phục vụ việc đồng áng như trước, mà chuyên để tham gia các sới đấu, tìm cách kích thích con vật trở nên hung hăng hơn.

“Đó là cách ứng xử vô văn hóa với một hoạt động văn hóa. Cổ súy bạo lực tất yếu sẽ bị đáp trả bằng bạo lực. Qua sự việc đau lòng này, ban tổ chức lễ hội và người dân phải nhìn nhận lại mục đích tổ chức, tham gia lễ hội của mình. Không nên bất chấp để phải đánh đổi bằng cả tính mạng” - GS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn