MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm tại Điện Bàn. Ảnh: Tư liệu

Xây dựng không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ

hoàng văn minh LDO | 18/12/2019 08:13

UBND tỉnh Quảng Nam đang đầu tư xây dựng Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm (thị xã Điện Bàn) nhằm phục dựng mô hình dinh trấn dưới thời chúa Nguyễn, với một khu vực trang trọng để tôn vinh chữ Quốc ngữ. 

Theo sử sách: Năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho thành lập Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm), ban đầu đặt tại xã Cầu Húc, sau dời về xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phương), từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, chiến thắng cả hạm đội Hà Lan và đánh bại 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh. 

Hơn 415 năm đi qua, nay chỉ còn sót lại một số dấu tích như chùa Long Hưng, đình làng Thanh Chiêm... Năm 2017, di tích “Dinh trấn Thanh Chiêm” được Bộ VHTTDL công nhận di tích cấp quốc gia. Mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cùng với UBND thị xã Điện Bàn đã quy hoạch khu vực 12.000m2 để tái hiện không gian khu vực Hành Cung Dinh trấn xưa, khu trưng bày hiện vật, tư liệu, bia và biểu tượng chữ Quốc ngữ... 

Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 40 tỉ đồng và có một không gian trang trọng để tôn vinh chữ Quốc ngữ.

Theo sử liệu thì tại Thanh Chiêm, từ năm 1617 đến 1625, linh mục Francisco De Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo và dạy tiếng Việt cho 2 giáo sĩ là Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio Fonte (người Bồ Đào Nha) đồng thời viết tài liệu giảng dạy “Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”.

Nhiều nhà khoa học Việt Nam khẳng định Dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi các nhà truyền giáo phương Tây đến nghiên cứu, sáng tạo và hình thành chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn