MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xem gì trong “Đáng sống”?

VIỆT VĂN LDO | 28/11/2016 14:00
Chùm 3 phim “Đáng sống” của đạo diễn Đặng Hồng Giang - người nổi lên từ phim tài liệu “Lửa thiện nhân”, khởi chiếu từ 18.11. “Đáng sống” là 3 phim ngắn độc lập, 30 phút/phim, mang tựa “Mầm sống”, “Đáng sống” và “Một con đường” (riêng phim này có nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đồng biên kịch - đạo diễn).

“Đáng sống” đang được chiếu tại 7 cụm rạp của BHD tại Hà Nội, TPHCM và cụm rạp Tháng Tám (Hà Nội) là sự tin tưởng của đơn vị tư nhân dành cho một chùm phim tài liệu - thể loại khó ăn khách.

Nhiều năm làm báo đã giúp Đặng Hồng Giang biết lựa vấn đề nào đáng làm phim, và anh còn hơn một số đồng nghiệp khác ở sự kiên nhẫn, biết chờ đợi. Chùm 3 phim được thực hiện trong 4 năm (11.2012 đến 11.2016, do hãng Oriental Pictures sản xuất).

Cảnh chùm phim “Đáng sống”.

Như Giang tự sự: “Mỗi nhân vật của tôi dù ở địa vị nào trong xã hội hay vùng miền nào thì cũng đều mang lại những bài học giá trị hoặc những điều đáng suy ngẫm... Mục đích chính, cũng là đầu tiên của tôi, là đưa những câu chuyện này đến với công chúng càng rộng khắp càng tốt, để làm những gợi mở hữu ích cho mỗi chúng ta khi chẳng may lâm vào những tai ương như họ...”.

“Mầm sống” là câu chuyện về tiến sĩ Hoàng Thị Kim Dung - giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - một người phụ nữ cực kỳ dũng cảm và quyết đoán, quyết giữ lại “một chút đặc biệt” của người chồng không may tử nạn, với sự giúp đỡ của tập thể bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, để có thêm 2 đứa con yêu thương. Cũng là một trường hợp hy hữu đáng ghi vào sử của y học Việt Nam. Phim mang hơi hướng phim tài liệu - khoa học.

“Đáng sống” lại là câu chuyện về anh Tăng A Pẩu (TPHCM) sau khi được cắt bỏ khối u ung thư gan đã chọn cho mình một con đường sống mới: Vào rừng săn tìm những hình ảnh đẹp về những loài chim quý báu không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới để phổ biến ra ngoài, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân. Và anh đã sở hữu bộ sưu tập ảnh chim quý giá trị với trên 500 loài chim hiện hữu ở Việt Nam, trong có nhiều loài đặc hữu. Phim thiên về lời kể của nhân vật, có chút hóm hỉnh, hài hước.

“Một con đường” là câu chuyện không mới nhưng vấn đề thì vẫn thời sự: Một bộ phận người dân ở Quảng Trị hiện vì mưu sinh vẫn phải hàng ngày đối mặt với tử thần, đào cuốc phế liệu chiến tranh. Cái giá phải trả cho 1kg phế liệu quá rẻ mạt, có 3.000 đồng, trong khi nhiều số phận nghiệt ngã như 3 thanh niên mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi, hay người chồng bị tàn phế của gia đình nọ... Nhân vật chính là anh Nguyễn Ngọc Triệu trong phim cũng sống bằng nghề đào kiếm phế liệu để nuôi con ăn học thành người...

Chùm phim không lời bình, để nhân vật tự kể, là cách làm phim tài liệu trực tiếp, bớt đi yếu tố chủ quan, áp đặt.

Cái “ăn” ở phim tài liệu là sự thực cuộc sống nóng hổi và đa dạng với tất cả những bộn bề của nó. Sự chọn lựa câu chuyện của chùm phim “Đáng sống” là đáng chú ý.

Tuy nhiên, nếu đạo diễn kể chuyện chắt lọc hơn, nhất là phim thứ hai “Đáng sống”, từ chi tiết cảnh đến lời kể của anh Tăng A Pẩu thì sự tập trung của khán giả sẽ cao hơn. Việc lược bỏ những lời hơi mang tính răn dạy của nhân vật về sự ô nhiễm môi trường và thực phẩm là cần thiết.

Cũng như sự chấp chới ngập ngừng giữa thể loại phim tài liệu - phóng sự và tài liệu - nghệ thuật là điều dễ thấy. Nghệ thuật chưa bao giờ là sự mô tả, mà ngôn ngữ hình ảnh mang tính biểu trưng, biểu tượng luôn là điều cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn